Xã Bắc Sơn vượt khó xây dựng nông thôn mới

Lê Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Cùng với các địa phương khác trong cả nước, xã Bắc Sơn - Thành phố Móng Cái, Quảng Ninh đang trong quá trình triển khai tích cực chương trình xây dựng nông thôn mới. Là một xã vùng cao biên giới, còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên chính quyền và người dân xã Bắc Sơn đã biết tận dụng những điều kiện sẵn có tại địa phương để triển khai xây dựng nông thôn mới hiệu quả.
(VOV5) - Cùng với các địa phương khác trong cả nước, xã Bắc Sơn - Thành phố Móng Cái, Quảng Ninh đang trong quá trình triển khai tích cực chương trình xây dựng nông thôn mới. Là một xã vùng cao biên giới, còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên chính quyền và người dân xã Bắc Sơn đã biết tận dụng những điều kiện sẵn có tại địa phương để triển khai xây dựng nông thôn mới hiệu quả.


Xã Bắc Sơn vượt khó xây dựng nông thôn mới - ảnh 1
Mô hình nuôi lợn rừng của một hộ gia đình tại xã Bắc Sơn (Ảnh: Báo Quảng Ninh)


Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Xã Bắc Sơn được thành lập vào năm 2003, chia tách từ một phần diện tích và dân số của xã Hải Sơn cho phù hợp với điều kiện phát triển. Toàn xã có 400 hộ, 1700 khẩu sinh sống tại 4 thôn bản, trên diện tích khoảng 50.000 héc ta. Người dân xã Bắc Sơn đa phần là dân tộc Dao, Sán Chỉ, Hoa, một số khác là dân tộc Tày và dân tộc Kinh. Đây là một trong những xã vùng biên của thành phố Móng Cái, tiếp giáp Trung Quốc với 22,7km đường biên, có 13 cột mốc. Là một xã miền núi, địa bàn thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, nên khi Bắc Sơn triển khai xây dựng nông thôn mới vẫn còn những khó khăn, chủ yếu do người dân canh tác trên ruộng bậc thang nên việc thực hiện cánh đồng mẫu lớn và đưa máy móc, thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp cũng gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, hệ thống kênh mương cũng không được thuận tiện như vùng đồng bằng nên hệ thống lấy nước cho kênh mương vẫn là nhỏ lẻ, dẫn tới sản lượng lúa gạo không cao. Tuy nhiên, với tư duy linh hoạt, chính quyền xã Bắc Sơn đã tận dụng diện tích đồi, núi để phát triển lâm nghiệp, giúp cải thiện thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, chính quyền xã Bắc Sơn cũng mở những lớp đào tạo ngắn ngày, những khóa học khuyến nông để hướng dẫn, phổ biến kiến thức trồng keo tới bà con dân tộc. Nhờ đó, người dân Bắc Sơn từng bước thay đổi nếp sống, nếp nghĩ, biết cách trồng những loại cây có giá trị thu hoạch cao. Anh Giàng A Sinh, người dân xã Bắc Sơn, cho biết: Những năm đầu tiên ở đây bà con chỉ khai hoang phục hóa, rồi bà con bắt đầu trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc, đồi hoang. Người dân hầu như phát triển trồng cây keo. Giống cây này phát triển rất tốt, chỉ trong 7 – 8 năm đã được thu hoạch. Có người đến mua thì thường bán cả đồi, ví dụ như đồi này khoảng vài ba chục triệu hay 40 – 50 triệu, tùy theo số lượng keo của mình.”


Từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã Bắc Sơn còn hướng dẫn người dân chuyển dịch cơ cấu vật nuôi phù hợp với những điều kiện sẵn có tại địa phương. Vùng đất Móng Cái nổi tiếng với đặc sản lợn Móng Cái, giống lợn thương phẩm có thịt thơm ngon, dễ tiêu thụ, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Phát huy lợi thế này, người dân địa phương mạnh dạn đầu tư phát triển giống lợn Móng Cái, cùng với đó, kết hợp thử nghiệm nuôi giống lợn rừng Lạng Sơn, cho phối giống để phục vụ chăn nuôi. Gia đình chị Hồ Thị Vây, thôn Thán Phún, được chọn làm hộ gia đình chăn nuôi thí điểm của xã. Lúc đầu, gia đình chị Vây nuôi 10 con lợn rừng, khi nuôi có hiệu quả, chị đã mở rộng nuôi 30 con. Sau khi mô hình chăn nuôi này đạt hiệu quả kinh tế cao, chị Vây đã chia sẻ kinh nghiệm cho bà con trong vùng, giúp bà con cùng làm giàu từ chăn nuôi. Chị Vây cho biết: “Tổng cộng vốn là 200 triệu đồng, xây bể bioga là 30 triệu, làm chuồng hết 50 triệu, mua lợn rừng 30 triệu. Mình nuôi 1 năm rưỡi đến 2 năm là bán được. Lúc bán thì 350.000 đồng/kg, bán theo con thì 200.000 đồng/kg. Làm thế này một năm thu nhập cũng được 100 triệu từ thịt lợn. Ngoài ra còn làm đậu, nấu rượu bán.”


Địa bàn xã Bắc Sơn có đường biên dài tiếp giáp với Trung Quốc, do đó, công tác đảm bảo an ninh, trật tự xã hội là một yếu tố quan trọng, được Bắc Sơn xác định đặt lên hàng đầu trong việc hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Hoàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bắc Sơn, cho biết: “Về tình hình an ninh, có thể khẳng định từ năm 2003 tách xã, địa bàn Bắc Sơn tuy có đường biên giới rất dài nhưng hệ thống an ninh trật tự được đảm bảo. Đường biên mốc giới lúc nào cũng được giữ vững. Trên địa bàn không có điểm nóng xảy ra, bà con cũng rất yên tâm bám trụ và thực hiện phát triển kinh tế.”


Với đặc thù của một xã vùng cao, còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ có nỗ lực của lãnh đạo xã và sự chung sức, chung lòng của người dân, xã Bắc Sơn đã vượt khó đi lên, đời sống người dân được đảm bảo với mức thu nhập trung bình 30 – 40 triệu đồng/năm. Trong số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hiện xã Bắc Sơn đã hoàn thành được 8 tiêu chí. Để có được thành công này, phải kể tới đội ngũ trưởng thôn trẻ được chính quyền xã phân công bám sát địa bàn dân cư. Những cán bộ cấp cơ sở này là những người trực tiếp tuyên truyền, phổ biến và vận động bà con dân tộc thực hiện theo những chính sách, những cách làm hay để cải thiện đời sống người dân; đồng thời họ cũng là những người luôn kịp thời nắm bắt tình hình tại địa phương. Nhờ có kênh thông tin này, bà con hiểu được rằng trong công tác xây dựng nông thôn mới, người dân là chủ thể và là người thụ hưởng, để từ đó bà con có ý thức trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới./.

Feedback