Những năm gần đây sản phẩm mây tre đan ấp Giồng Đình, xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh được tiêu thụ ở nhiều địa phương, khách du lịch ưa thích. Đóng góp vào thành quả này chính là tổ hợp mây tre đan của bà Diệp Thị Trang, người dân tộc Khmer ở ấp Giồng Đình.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Làng nghề mây tre đan ấp Giồng Đình đã có truyền thống lịch sử gần 90 năm. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, giai đoạn đầu những năm 2000, làng nghề gặp khó khăn và đứng trước nguy cơ mai một vì sản phẩm gần như không tiêu thụ được, nhiều người bỏ nghề.
Sản phẩm mây tre đan ấp Giồng Đình. Ảnh: Ngọc Anh |
Sau khi dày công tìm hiểu nhu cầu của thị trường, bà Diệp Thị Trang tìm tòi, sáng tạo ra các phẩm mới, đặc biệt là việc thay đổi mẫu mã thu nhỏ sản phẩm thành những sản phẩm quà tặng lưu niệm cho khách du lịch. Quyết định nhạy bén, sáng suốt này của bà Diệp Thị Trang đã giúp làng nghề mây tre đan ấp Giồng Đình hồi sinh.
Bà Diệp Thị Trang, chủ tổ hợp tác mây tre đan Diệp Thị Trang, cho biết: "Tổ hợp tác Diệp Thị Trang mở từ năm 2007. Năm 2007, Sở Công thương tỉnh Trà Vinh xuống đặt vấn đề làm quà lưu niệm cho du khách, thu nhỏ lại chứ làm to thì không mang đi được. Nên tôi thấy mặt hàng nào lớn thì thu nhỏ lại, học làm truyền nghề cho chị em. Ở đây, chỉ có nhà tôi làm mặt hàng nhỏ thôi còn các nhà khác làm mặt hàng lớn. Hàng thủ công mỹ nghệ làm đồ dùng nông thôn, quà lưu niệm. Trước đây cũng làm những mặt hàng này nhưng là hàng to không có lời lãi nhiều, tốn nhiều nguyên liệu. 1 bộ gồm 12 sản phẩm, gồm: lồng bàn, giỏ hoa, thờ để ông thần tài, giỏ cá, giỏ đìa, giỏ mắm, lọ tăm, bình hoa… 1 bộ bán 100 ngàn đồng. Sản phẩm tỉnh Sóc Trăng bao tiêu và bán ra các tỉnh khác, bán cả ra Hà Nội. Sản phẩm bán không kịp, nhà có 87 lao động mà làm không có đủ hàng để bán."
Năm 2019, sản phẩm bộ đồ dùng sinh hoạt nông thôn thu nhỏ của hộ kinh doanh Diệp Thị Trang được Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao (OCOP là chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm). Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp cũng đã cử đại diện đến tham quan mô hình nhà bà Diệp Thị Trang, để tiếp tục có những định hướng hỗ trợ tổ hợp tác Diệp Thị Trang hoạt động hiệu quả hơn. Với sự cần cù, sáng tạo để làm giàu cho gia đình và tích cực đóng góp cho cộng đồng, bà Diệp Thị Trang đã được Ủy ban nhân dân huyện Trà Cú và Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh khen thưởng, trong đó có Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về “Gương sáng phụ nữ dân vận khéo”.
Bà Diệp Thị Trang bên các sản phẩm đồ dùng sinh hoạt nông thôn thu nhỏ. Ảnh: Báo Trà Vinh |
Đến nay, bình quân mỗi tháng, tổ hợp tác Diệp Thị Trang làm ra khoảng 12.000 bộ sản phẩm. Ngoài bán trong nước, sản phẩm làm ra được các doanh nghiệp ở tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Sóc Trăng, thành phố Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh đặt hàng bao tiêu xuất khẩu. Nhờ đó thu nhập mỗi tổ viên ổn định, thu nhập từ 2,5 - 5 triệu/tháng.
Bà Lâm Thị Chung, một người làm công ở cơ sở mây tre đan Diệp Thị Trang, cho biết: "Làm 12 món, giỏ hoa, bình hoa, bình rượu… sản phẩm làm bằng trúc. Ngày tôi làm được 20 giỏ. 20 cái giỏ được 90 ngàn, ngày kiếm được 90 ngàn đồng. Tôi làm ở đây nhiều năm rồi. Tôi chuyên làm giỏ bình hoa để trang trí."
Tổ hợp tác Diệp Thị Trang đã tạo ra sự liên kết giữa các hộ gia đình, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là cho phụ nữ. Chị em không phải đi làm ăn xa, vừa có thời gian chăm sóc gia đình, làm ruộng, lại vừa có việc làm lúc rảnh rỗi, kinh tế gia đình có thêm thu nhập. Bà Kim Thị Thành, người làm công ở cơ sở mây tre Diệp Thị Trang, kể: "Tôi làm ở đây mấy năm rồi. Ngày làm được 50 cái ngày kiếm 50 ngàn. Đi chợ về nấu ăn xong lúc thời gian rồi nhặt đồ làm."
Hiện nay mặt hàng thủ công mỹ nghệ của gia đình bà Diệp Thị Trang đã có đầu ra ổn định, số đơn đặt hàng vượt khả năng cung ứng. Vì vậy, bà Diệp Thị Trang hướng tới thành lập Hợp tác xã, mở rộng sản xuất; đồng thời góp phần lưu giữ làng nghề truyền thống mây tre đan ấp Giồng Đình.