Sóc Trăng ứng phó với tình trạng mặn xâm nhập để bảo vệ vụ lúa Đông Xuân

Chia sẻ
(VOV5) - Nhờ chủ động ứng phó tốt với hạn mặn, nên vụ lúa Đông Xuân sớm của tỉnh Sóc Trăng năng suất cao.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Tỉnh Sóc Trăng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó với tình hình mặn xâm nhập đang diễn ra gay gắt để bảo vệ trà lúa Đông Xuân 2021 của nông dân. Từ cuối năm 2020 đến nay, nhiều công trình ngăn mặn, trữ ngọt đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng. Ngoài ra, các địa phương còn tuyên truyền, vận động người dân sản xuất lúa theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của hạn, mặn.
Sóc Trăng ứng phó với tình trạng mặn xâm nhập để bảo vệ vụ lúa Đông Xuân - ảnh 1Sóc Trăng đang triển khai nhiều giải pháp phòng, chống hạn mặn bảo vệ lúa Đông Xuân. - Ảnh: VOV

Để hạn chế thiệt hại mùa màng do xâm nhập mặn, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng theo dõi sát tình hình, cập nhật hàng ngày diễn biến thời tiết, nguồn nước ở thượng nguồn sông Mekong và đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với đó, tổ chức vận hành hợp lý công trình thủy lợi, tích trữ nước vào nội đồng, hệ thống kênh và đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Đặc biệt, tỉnh đã hoàn thành nạo vét các tuyến kênh thuộc dự án xây dựng hệ thống thủy lợi tạo nguồn, trữ ngọt khắc phục phòng chống hạn mặn liên huyện Thạnh Trị, Mỹ Tú, Châu Thành, Thị xã Ngã Năm. Hoàn thành xây dựng mới cống Ngan Rô, nạo vét các tuyến kênh huyện Trần Đề. Công trình hạ tầng thiết yếu phát triển nông nghiệp các vùng sản xuất tập trung chủ động phòng chống hạn mặn cũng được xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Chủ động cho công tác phòng chống hạn, mặn cho mùa khô 2020-2021, trong đó, tăng cường các giải pháp như là tu sửa các hệ thống cống, nâng cấp các đê bao, bảo đảm bảo điều tiết nước của các hệ thống cống cũng như các đê bao ngăn mặn, trữ ngọt. Nạo vét tuyến thủy lợi nội đồng để làm sao đảm bảo điều tiết nước cho bà con phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó cũng khuyến cáo, thông tin cho bà con về khung lịch thời vụ, thời điểm nào, địa bàn nào xuống giống phù hợp.

Ông Thái Thanh Điền, ở ấp Giồng Chùa A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, cho biết: “Tình hình xâm nhập mặn năm nay ảnh hưởng cũng ít, nhờ đê bao khép kín xã, hệ thống tuyên truyền loa truyền thanh của huyện. Huyện đầu tư trạm quan trắc, từ đó nông dân nắm được thông tin tình hình xâm nhập mặn để rút kinh nghiệm khi nước mặn không bơm nước khi nước ngọt thì bơm nước vô, hiện nay lúa đang phát triển tốt.”

Sóc Trăng ứng phó với tình trạng mặn xâm nhập để bảo vệ vụ lúa Đông Xuân - ảnh 2Lúa Đông Xuân sớm ở Sóc Trăng đã đạt thắng lợi cả năng suất, lẫn giá cả. Ảnh: VOV

Công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động, ứng phó mặn xâm nhập cũng được chính quyền huyện Châu Thành đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Văn Hận, Phó Trưởng phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, cho biết: “Chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân chủ động, sản xuất để lấy nước phục vụ hạn chế thiệt hại. Trong năm nay tập trung nạo vét các kênh mương, công trình thủy lợi để tạo nguồn dẫn nước ngọt phục vụ sản xuất. Huyện thường xuyên duy tu sửa chữa các cống ngăn mặn, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn bà con nông dân các giải pháp kỹ thuật canh tác lúa trong điều kiện khô hạn, xâm nhập mặn. Chúng tôi cử cán bộ thường xuyên thăm đồng nắm tình hình sâu bệnh cũng như là diễn biến của thời tiết để khuyến cáo cho bà con nông dân để ứng phó kịp thời.”

Nhờ chủ động ứng phó tốt với hạn mặn, nên vụ lúa Đông Xuân sớm của tỉnh Sóc Trăng năng suất cao. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh đang quyết liệt thực hiện các giải pháp ứng phó hạn hán, mặn xâm nhập để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của nước mặn đến vụ lúa Đông Xuân còn lại của tỉnh.

Feedback