Phát huy hiệu quả giống nhãn lồng đường phèn trong xây dựng nông thôn mới ở Hưng Yên

Thu Hằng
Chia sẻ
(VOV5) - Về Hưng Yên những ngày tháng 7, đâu đâu cũng thấy những cây nhãn trổ quả mơn mởn, chuẩn bị vào vụ thu hoạch.
 (VOV5) - Từ lâu Hưng Yên đã nổi danh với đặc sản nhãn lồng, thứ nhãn tiến vua có vị ngọt đậm đà. Tuy nhiên, để giữ được giống nhãn quý đảm bảo chất lượng, cho năng suất cao thì không phải dễ. Trong gần 10 năm qua, những cây nhãn lồng đường phèn của gia đình ông Nguyễn Văn Cảnh, ở thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, vẫn cho thu hoạch đều, đem lại nguồn thu nhập cao cho thấy nỗ lực của người dân làm giàu từ cây nhãn.


Phát huy hiệu quả giống nhãn lồng đường phèn trong xây dựng nông thôn mới ở Hưng Yên - ảnh 1
“Dù ai buôn Bắc bán Đông, đố ai quên được nhãn lồng Hưng Yên”




Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Về Hưng Yên những ngày tháng 7, đâu đâu cũng thấy những cây nhãn trổ quả mơn mởn, chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Người dân trong vùng tự hào khi được hỏi về đặc sản nhãn lồng nức tiếng nơi đây. Không ai biết trước đó, do thời tiết biến đổi bất thường, nhãn ở một số vùng bị mất mùa, chỉ những gia đình có kỹ thuật canh tác tốt mới đảm bảo giống nhãn quý đảm bảo chất lượng và cho năng suất cao. Gia đình ông Nguyễn Văn Cảnh, ở thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên là một trường hợp như vậy. Ông Cảnh cho biết: trồng nhãn thì phải chấp nhận mất 5 năm đầu không cho quả. Biết vậy nhưng ông vẫn kiên trì tìm tòi, nghiên cứu, áp dụng những kiến thức mới nhất để tìm ra cách thức trồng nhãn theo ý mình, cũng như đáp ứng khẩu vị của người dân. Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc giống nhãn lồng đường phèn của mình, ông Cảnh cho biết: Để nhãn cho năng suất cao thì cần có sự kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống và kỹ thuật chăm sóc hiện đại phù hợp. Khi gặp thời tiết bất lợi, cần phải theo dõi rất kỹ và dự đoán trước được về nhiệt độ, mưa, nắng. Nếu mùa đông ấm, cần hãm thuốc, tiện khoanh vỏ ở cành, chặt rễ, che bạt ở gốc, không cho nước thấm xuống rễ cốt để cho cây nhịn đói, tạm dừng thời kỳ sinh trưởng, có như thế thì vụ sau mới cây mới ra hoa. Đặc biệt, ông có thể điều chỉnh cho thu hoạch nhãn kéo dài hơn thông thường khoảng 4 tháng. Bí quyết của ông Cảnh là điều chỉnh thời gian ra lộc thu, thời gian ngủ đông hay ra hoa, kết trái. Nhận xét về những kinh nghiệm trồng nhãn của ông Cảnh, ông Nguyễn Văn Thế, ở xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, một người trồng nhãn lâu năm cho biết: “Anh Cảnh là một trong những người thâm niên về cây nhãn, có kỹ thuật tốt. Nhiều năm nay, mô hình của gia đình cho thu nhập ổn định. Đây là mô hình mới, hiệu quả, nhiều người đến học tập. Anh còn là người sáng tạo, minh chứng là cây nhãn của gia đình cho hiệu quả".

Gần 20 năm trồng nhãn, hiện gia đình ông Nguyễn Văn Cảnh có khoảng 2 ha nhãn lồng đặc sản đường phèn, nhãn tiêu phèn. Trong đó 1 ha đang cho thu hoạch với năng suất năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm nay, gần 300 gốc nhãn đang vào vụ của gia đình ước đạt khoảng 20 tấn, mang lại giá trị hơn 500 triệu đồng. Ông đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động thời vụ, với mỗi công từ 150 nghìn đến 200 nghìn. Mô hình trồng nhãn lồng của gia đình còn là mô hình điểm được các hội viên nông dân trong và ngoài tỉnh đến học tập kinh nghiệm sản suất. Ông Nguyễn Tuấn Việt, thành viên Hội nông dân tỉnh Hưng Yên, cho biết: “Gia đình anh Nguyễn Văn Cảnh là một trong những hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Hưng Yên. Anh cũng tích cực tham gia bảo tồn giống nhãn quý của tỉnh, đồng thời giúp đỡ cho các hộ nông dân trong tỉnh có chất lượng cao trong sản xuất. Từ một gia đình còn khó khăn, sau nhiều năm sản xuất kinh doanh, gia đình anh đã vươn lên khá giả, tham gia nhiều hoạt động công tác tại cụm địa phương".

Với nhiều nỗ lực trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng nhãn chuyên canh, ông Nguyễn Văn Cảnh trở thành nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Hưng Yên, được vinh danh với nhiều phần thưởng cao quý cho những cố gắng nỗ lực bản thân. Nhưng với ông, niềm vui lớn nhất chính là vườn nhãn của mình bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết, năm nay vẫn trổ quả đều, hứa hẹn một năm được mùa, đem lại thu nhập cao cho gia đình đồng thời góp phần phát triển kinh tế của địa phương, dần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới: “Cây nhãn là truyền thống của Hưng Yên, cho nên chúng tôi nhận thức rõ điều đó để làm kinh tế. Từ việc học đó, mình phải vận dụng thực tế thì mới thành công được. Bất kể người nông dân sản xuất gì thì người đó cũng phải ham mê, coi đó là nghề của người nông dân thì mới giàu lên được".

Những kinh nghiệm của ông Nguyễn Văn Cảnh đang được Hội nông dân tỉnh Hưng Yên nhân rộng để mang lại những mùa nhãn bội thu, mang lại thu nhập cao và ổn định cho hàng nghìn hộ gia đình, với tổng diện tích chuyên canh nhãn lên đến hơn 3000 ha, góp phần làm phát triển kinh tế địa phường từ cây nhãn, đặc sản của quê hương mình./.

 

Feedback