Người công giáo ở huyện Đơn Dương, Lâm Đồng phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Lan Anh
Chia sẻ

(VOV5) - Huyện Đơn Dương nằm trọn trên cao nguyên Lâm Viên, tỉnh Lâm Đồng, là vùng đất thuần nông. Từng là huyện nghèo của tỉnh Lâm Đồng nhưng nay Đơn Dương đã đổi mới từng ngày và trở thành điểm tham quan học tập mô hình nông nghiệp công nghệ cao. 

Huyện Đơn Dương nằm trọn trên cao nguyên Lâm Viên, tỉnh Lâm Đồng, là vùng đất thuần nông. Từng là huyện nghèo của tỉnh Lâm Đồng nhưng nay Đơn Dương đã đổi mới từng ngày và trở thành điểm tham quan học tập mô hình nông nghiệp công nghệ cao.  


Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Đêm xuống, một vùng nông thôn rộng lớn huyện Đơn Dương rực sáng ánh đèn nhờ hệ thống chiếu sáng cho các vườn rau, hoa. Huyện Đơn Dương đã chọn hai lĩnh vực căn bản theo hướng công nghệ cao là trồng trọt và chăn nuôi để phát triển kinh tế. Ông Thái On, Bí thư huyện Đơn Dương, cho biết: Đơn Dương có ưu thế là điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đất đai phù hợp để phát triển các loại cây rau và cây nông nghiệp khác. Đơn Dương tận dụng được tất cả ưu thế này và kết hợp với nhà khoa học để nghiên cứu đưa kiến thức khoa học kỹ thuật này tới người dân. Nhà nước cũng có những kinh phí để xây dựng các mô hình và ở Đơn Dương khi xây dựng các mô hình là có hiệu quả ngay. Sự hỗ trợ của nhà nước  tuy ít nhưng là cú hích để nhân dân tự động vươn lên. 

Người công giáo ở huyện Đơn Dương, Lâm Đồng phát triển  nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. - ảnh 1
Rau cao cấp Đơn Dương được đưa vào chế biến trong hệ thống METRO. Ảnh: tienphong.vn



 Không một mét vuông đất nào ở Đơn Dương để trống. Rau xanh, hoa màu xanh mướt trên cánh đồng. Từ năm 2007, người dân ở Đơn Dương đã tiếp cận trồng rau theo tiêu chuẩn Global Gap, tiêu chuẩn quốc tế.  Nông dân vừa làm vừa ghi chép sổ sách tỷ mỉ, làm đến đâu thì kiểm tra kỹ thuật đến đó. Tùy theo diện tích canh tác, nguồn vốn, nông dân ở Đơn Dương chủ động đem ứng dụng công nghệ cao vào nương vườn. Ở từng xã, nông dân tập hợp lại thành từng nhóm hoặc tham gia vào hợp tác xã để cùng giúp nhau làm vườn. Anh Vũ Quang Hậu cho biết tổ hợp tác xã Màu xanh do anh làm chủ nhiệm cũng đã giúp người dân trong việc trồng hoa thương phẩm:  Bây giờ trồng ít mình thu hoạch bán gặp khó khăn hơn. Như ở Đà Lạt người ta tới vườn thu mua, còn ở đây phải chở ra chợ. Ai cũng làm cũng tự tìm tòi học hỏi. Vào tổ hợp tác có thuận lợi là huyện có trợ cấp gì thì ưu tiên cho tổ hợp tác vay vốn, cung cấp giống, tài trợ giống bông. Người trong tổ có quyền lợi và sự liên kết với nhau, gắn bó với nhau để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Phong trào phát triển kinh tế sôi động trong toàn huyện. 71% diện tích trồng rau của huyện ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích canh tác hiện nay đạt trung bình 150 triệu/ha/năm. Toàn huyện có hơn 6.400 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, số hộ nông dân mua được ô tô từ thu nhập trồng rau không còn là hiếm. Ông Đinh Văn Toán, ở thôn Lạc Viên A, xã Lạc Xuân, cho biết: Đến giờ kinh tế phát triển, cơm no áo ấm đầy đủ. Bà con chủ yếu trồng  các loại rau. Người nào có vốn thì làm hiện đại còn ít vốn thì làm thô sơ. Bây giờ gia đình các cháu làm ăn riêng, chỉ còn hai vợ chồng tôi làm 2,5 sào (tức 2500m2), trúng mùa thì thu hoạch hơn 100 triệu.

Đơn Dương không chỉ ứng dụng ở cây công nghệ cao ở cây rau mà còn phát triển đàn bò sữa. Nuôi bò sữa thực sự đem lại một nguồn thu lớn cho người dân ở Đơn Dương. Ông Thái On, Bí thư huyện Đơn Dương cho biết:Đàn bò ở Đơn Dương khoảng 6000 con  chiếm 60% -80 % đàn bò sữa của tỉnh. Lợi nhuận nuôi đàn bò sữa đem lại lợi nhuận khá cao. Hiện nay phát triển đàn bò sữa không chỉ trong khu vực dự án đưa vào mà các xã ngoài dự án cũng đã làm đem lại kết quả tốt. Trên địa bàn các đơn vị thu mua, nhà máy chế biến sữa cũng giúp người nông dân cả về kinh phí, kỹ thuật, cơ sở vật chất để người dân tiếp cận với việc nuôi bò. Từ đó đời sống của nhân dân nâng cao.

Hầu hết các hộ sản xuất gặp khó khăn về nguồn vốn ở Đơn Dương đều được hỗ trợ vay vốn sản xuất và được cán bộ nông nghiệp về tận nơi để hướng dẫn kỹ thuật kỹ thuật trồng rau sạch. Các vườn rau, vườn ươm ở Đơn Dương đều được người dân trồng trong nhà lưới, phủ màng ni lông, có hệ thống tưới phun tự động. Một số hộ nông dân đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm thiết bị tự động trộn đất, gieo hạt ... Phong trào sản xuất sạch, trồng giá thể công nghệ cao phát triển rộng khắp. Không chỉ nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, mà người dân không ngừng đổi mới phương thức sản xuất để có sản phẩm sạch, giá trị cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đó cũng là sự nhạy bén với công nghệ của người nông dân ở Đơn Dương./.

Người công giáo ở huyện Đơn Dương, Lâm Đồng phát triển  nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. - ảnh 2

 

Feedback