Hiện nay, làng Vũ Lăng có khoảng 450 hộ làm nghề mộc, 500 thợ tạc tượng lành nghề. Trong làng có hàng chục xưởng, cơ sở sản xuất quy mô lớn. Đến với làng nghề Vũ Lăng, ta có thể thấy rõ không khí lao động sản xuất hăng say, nhộn nhịp với những dãy tượng phơi hai bên đường làng hay tiếng ầm ì, rộn ràng của tiếng máy cưa, máy xẻ, tiếng đục đẽo chí chát.
Cổng làng Vũ Lăng. (Ảnh: Ngọc Anh/VOV5) |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Để làm được một bức tượng bền, đẹp thì khâu quan trọng nhất là chọn gỗ. Loại gỗ được chọn để tạc tượng và các đồ thờ cúng thường là gỗ mềm, dễ đục, không bị mối mọt, nứt nẻ. Ông Đào Trọng Điểm, thợ mộc ở làng Vũ Lăng, cho biết: “Nếu nói về tượng làm đồ thờ chủ yếu làm 3 loại gỗ là mít, dổi, vàng tâm. Các gỗ khác không làm vì đồ thờ phải tinh khiết. Tạc tượng người ta đã có công thức tạc tượng. Ví dụ như tượng cao bao nhiêu, diện tích bao nhiêu, hay làm tượng đứng, tượng ngồi… đều có công thức rồi”.
Cổng Đền Vũ Lăng. (Ảnh: Ngọc Anh/VOV5) |
Sản phẩm tượng của làng Vũ Lăng khá đa dạng như tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật bà Quan Âm, Phật Di Lặc, tượng La Hán… Để chế tác ra một pho tượng thành phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau như xẻ gỗ, đục phá, đục gọt, chỉnh sửa, quét đất sét, sơn lót, đánh bóng, sơn tượng... Thời gian làm một pho tượng nhỏ thường mất từ 5 -7 ngày công, còn những pho tượng to phải mất vài tháng mới hoàn thiện.
Sản phẩm tượng, cửa võng của làng Vũ Lăng. (Ảnh: Ngọc Anh/VOV5) |
Trong nghề tạc tượng, khó nhất là công đoạn sơn. Sơn cũng có thể coi là một nghề riêng vì đòi hỏi kỳ công, tốn khá nhiều thời gian. Ông Đào Trọng Điểm, thợ mộc làng Vũ Lăng, cho biết: “Khi tạc hình thù tượng xong thì làm vóc, tức làm nét các nét phải nhẵn, đánh bóng. Chúng tôi gọi là hom, tức là tạo các nét nhẵn, mài đi mài lại để bụi bay đi rồi sau đó mới sơn. Công đoạn sơn phải mất 9 nước sơn mới hoàn thành, cẩn thận thì 10 nước sơn. Xong rồi dùng sơn cầm để dán bạc vào hoặc dán vàng vào. Người ta gọi là sơn son thếp bạc, phủ hoàn kim. Làm tượng mất lâu thời gian vì diện tích to, làm kỳ công hơn làm đồ thờ. Ở đây thợ nhận làm mộc ở các đình, chùa, di tích, nổi bật nhất là làm tượng ở chùa Một Cột ở Hà Nội, chùa Bái Đính tại Ninh Bình, chùa Keo ở Thái Bình”.
|
Tùy theo yêu cầu của khách mà tượng được dát vàng hay dát bạc hoặc có thể để mộc. Tượng càng lớn, lượng vàng, bạc dát càng cần nhiều và càng kỳ công. Một pho tượng có thể cần dát vài ba chỉ vàng đến hàng cây vàng tùy vào nhu cầu của khách. Không chỉ làm tượng, những người thợ ở làng Vũ Lăng còn làm ra những sản phẩm đồ thờ tinh xảo. Nghệ nhân Nguyễn Tuấn Tâm, ở làng Vũ Lăng, cho biết: “Làng nghề truyền thống tạc tượng ở miền Bắc nổi tiếng vẫn là làng Vũ Lăng. Tượng ở đây có nét riêng, độc đáo, có hồn, có thần sắc hơn tượng ở các nơi khác. Làng Vũ Lăng còn làm hoành phi, câu đối, cửa võng, đồ thờ cúng, nội thất ở trong chùa, đình. Thị trường ở khắp cả nước, cả trong Nam, ngoài Bắc, thậm chí sang nước ngoài. Tôi có làm tượng cho một vài chùa ở Ukraine, Cộng hòa Czech”.
Một con đường rợp mát bóng dừa ở làng Vũ Lăng. (Ảnh: Ngọc Anh/VOV5) |
Để mở rộng sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, làng nghề Vũ Lăng đã có quy hoạch xây dựng khu công nghiệp làng nghề. Qua đó, giúp liên kết các doanh nghiệp, hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh cùng nhau làm ăn hiệu quả, phát triển bền vững. Các hộ sản xuất, xưởng mộc trong làng ngày càng áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng máy móc để tăng năng xuất lao động. Sản phẩm mộc của làng Vũ Lăng đã chiếm lĩnh nhiều thị trường lớn ở trong nước và còn được xuất khẩu sang Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… Cuộc sống của nhiều người dân nơi đây ngày một sung túc, khá giả.