Làng Hoài Khao, tỉnh Cao Bằng phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Làng du lịch cộng đồng Hoài Khao đẹp như một bức tranh, mang đến những trải nghiệm khó quên trong lòng du khách.

Hoài Khao là ngôi làng nhỏ, ở xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đây là nơi sinh sống của dân tộc Dao Tiền. Nhờ danh lam thắng cảnh đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng Hoài Khao thành làng du lịch cộng đồng, phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Làng Hoài Khao, tỉnh Cao Bằng phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc - ảnh 1Làng Hoài Khao nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngọc Anh

Nghe âm thanh tại đây:

 Làng Hoài Khao nằm nép mình dưới một thung lũng nhỏ, những ngôi nhà được dựng bằng gỗ, lợp ngói âm dương, tạo nên vẻ đẹp vừa giàu bản sắc dân tộc, vừa mang nét hoài cổ thơ mộng. Trong làng chỉ có hơn 30 hộ dân, 100% là người dân tộc Dao Tiền. Dự án làng du lịch cộng đồng Hoài Khao được thử nghiệm từ năm 2018 và đến năm 2020 chính thức đưa vào hoạt động. Bà Tô Thị Trang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, cho biết: “Chúng tôi tập huấn cho địa phương kỹ năng về đón tiếp, phục vụ khách du lịch khi họ đến trải nghiệm ở làng du lịch Hoài Khao. Định hướng cho làng Hoài Khao xây dựng những sản phẩm du lịch đặc sắc, ví dụ như trải nghiệm văn hóa truyền thống của người Dao Tiền và xây dựng những địa điểm để khách du lịch tham quan, check in và mua bán những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Nhờ đó, lượng du khách đến với Hoài Khao ngày càng nhiều và chất lượng phục vụ dịch vụ du lịch nâng cao. Hiện, tỉnh Cao Bằng có 7 làng du lịch cộng đồng, trong đó Hoài Khao là điểm sáng du lịch cộng đồng ở tỉnh Cao Bằng”.
Làng Hoài Khao, tỉnh Cao Bằng phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc - ảnh 2Bà con làng Hoài Khao trình diễn nghề in thêu hoa văn bằng sáp ong. Ảnh: Ngọc Anh

Từ khi có dự án phát triển làng Hoài Khao thành điểm du lịch cộng đồng, bà con trong làng tích cực học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Anh Chu Minh Đức, chủ một homestay ở làng Hoài Khao, cho biết: “Nhà tôi bắt đầu làm du lịch từ năm 2021. Mặc dù hiện nay homestay đã hoạt động nhưng chúng tôi vẫn xây dựng chỉnh trang thêm, xây dựng homestay làm sao đặc sắc hơn, độc đáo hơn để thu hút khách du lịch. Bà con trong làng cùng giúp đỡ nhau làm du lịch, nhà nào không mở homestay thì mở nghề in hoa văn sáp ong, hoặc thêu thùa, một số nhà thì làm nghề thuốc nam, thuốc tắm, thuốc ngâm chân. Chúng tôi quảng bá homestay qua facebook, du lịch huyện Nguyên Bình và du lịch tỉnh Cao Bằng. Lượng khách du lịch vào đây chủ yếu là khách du lịch trong nước. Khách du lịch đông vào dịp nghỉ lễ, ngày thường thì đông vào dịp cuối tuần”.

Làng Hoài Khao, tỉnh Cao Bằng phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc - ảnh 3Du khách trải nghiệm nghề in thêu hoa văn bằng sáp ong. Ảnh: Ngọc Anh

Để phát triển du lịch ở địa phương, huyện Nguyên Bình đầu tư, nâng cấp nhà văn hóa, xây dựng khu đón tiếp khách, bãi đỗ xe, phục chế một số công trình văn hóa, trưng bày các dụng cụ, trang phục, đồ dùng sinh hoạt của đồng bào dân tộc Dao. Sự quan tâm của chính quyền địa phương đã giúp mô hình du lịch cộng đồng làng Hoài Khao khởi sắc. Ông Hoàng Quốc Chấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quang Thành, cho biết: “Làng Hoài Khao hiện có 7 hộ đang thực hiện mô hình homestay để đón khách du lịch, mỗi homestay có thể đón 10 khách du lịch. Lượng khách tới làng Hoài Khao mỗi năm trung bình từ 400 đến 600 du khách, trong đó cũng có khách nước ngoài. Chúng tôi định hướng cho bà con tạo ra các sản phẩm lưu niệm, như: khăn, gối và một số đồ lưu niệm khác để cho du khách trải nghiệm và sử dụng những sản phẩm do người Dao Tiền sản xuất”.

Tiềm năng, lợi thế của du lịch Hoài Khao là bản sắc văn hóa dân tộc Dao Tiền ở đây được gìn giữ khá nguyên vẹn, từ kiến trúc nhà ở, các nghề truyền thống: chạm bạc, dệt, thêu in hoa văn bằng sáp ong cho đến các bài thuốc y học cổ truyền của dân tộc Dao. Bên những nếp nhà được xây dựng bằng gỗ, mái ngói âm dương, mỗi gia đình ở làng Hoài Khao có một kho chứa thóc làm bằng gỗ để tách biệt với nhà chính. Những kho chứa thóc là nét độc đáo chỉ có ở Hoài Khao, tạo sự tò mò, hứng thú với du khách. Trong làng còn có cây nhội cổ thụ, mọc tự nhiên, được người dân lập miếu bảo vệ, coi cây thần linh. Từ khi cây nhội được công nhận là Cây di sản Việt Nam (tháng 9/2020), nhiều du khách tìm đến làng Hoài Khao để check in, chụp ảnh lưu niệm cạnh cây di sản này. Đặc biệt, nghề in thêu hoa văn bằng sáp ong độc đáo của người Dao Tiền gây ấn tượng với du khách. Chị Công Hoài Anh, du khách ở Hà Nội tới làng Hoài Khao, bày tỏ: “Em chọn nơi đây du lịch vì em có tìm hiểu biết được ở đây có nghề làm tranh bằng sáp ong nên muốn trải nghiệm. Lúc đầu làm thấy khó nhưng qua sự hướng dẫn của người dân ở đây thì em có thể làm được, quan trọng là phải tỉ mỉ và cẩn thận. Nếu có dịp, em sẽ quay trở lại nơi đây và khám phá thêm nhiều địa điểm mới ở tỉnh Cao Bằng”.

Làng du lịch cộng đồng Hoài Khao đẹp như một bức tranh, mang đến những trải nghiệm khó quên trong lòng du khách. Đến đây, du khách được trải nghiệm nét đẹp mộc mạc, hoang sơ và giàu bản sắc của dân tộc Dao Tiền.

Feedback