Làng gốm Bát Tràng phát huy thế mạnh nội lực xây dựng nông thôn mới

Lan Anh
Chia sẻ
(VOV5)- Cái đích mà Bát Tràng hướng tới là một làng nghề phát triển bền vững, người dân có mức sống cao, được hưởng thụ các giá trị văn hóa, tinh thần.

(VOV5)- Cái đích mà Bát Tràng hướng tới là một làng nghề phát triển bền vững, người dân có mức sống cao, được hưởng thụ các giá trị văn hóa, tinh thần.


 
Nghe nội dung chi tiết tại đây:




Nằm ven dòng sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội chừng 10km, xã Bát Tràng  không phải là một xã làm nông nghiệp, chăn nuôi  như các xã thực hiện NTM khác, mà Bát Tràng là một làng nghề. Trong tổng  số 1200 hộ trong xã thì tới đa số các hộ trực tiếp làm nghề gốm, số còn lại là phục vụ cho sản xuất. Trong 3 năm xây dựng Nông thôn mới , Bát Tràng đang phát huy thế mạnh nội lực để cán đích 15/18 tiêu chí, các tiêu chí còn lại cũng đang cơ bản hoàn thành.

Xuất phát từ một làng nghề ra đời và phát triển 700 năm, chính quyền địa phương xã Bát Tràng xác định lấy nghề gốm là một thế mạnh để xây dựng nông thôn mới của địa phương. Thế mạnh sẵn có này không phải địa phương nào cũng có, bởi đây chính là một tiêu chí quan trọng trong xây dụng nông thôn mới mà các địa phương khác đang gặp khó khi mà những tiêu chí khác đều có khả năng sớm đạt được. Vì thế, đề án xây dựng nông thôn mới xã Bát Tràng giai đoạn 2011-2015 xác định, do Bát Tràng không có sản xuất nông nghiệp, tiêu chí nước tưới tiêu đồng ruộng không đưa vào đánh giá. Ông Phan Huy Khôi, Phó Bí thư Đảng ủy xã Bát Tràng, cho biết: Ở Bát Tràng không có nông nghiệp cho nên chúng tôi thực hiện 18/19 tiêu chí. Để hi nhập, Bát Tràng đẩy mạnh giao lưu hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, trong nước, thủ đẩy thương mại, giới thiệu sản phẩm ra nước ngoài. Hiện nay sản phẩm của Bát Tràng đi hầu hết các nước trên thế giới.

Đường vào làng gốm Bát Tràng hôm nay sạch và rộng, hai bên đường là những dãy nhà cao tầng san sát với vô vàn những cửa hàng giới thiệu sản phẩm gốm Bát Tràng. Đến đây, ai cũng ngỡ đây là một khu phố nhỏ của thành phố chứ ít ai nghĩ Bát Tràng là một làng nghề ngoại thành Hà Nội.

Làng gốm Bát Tràng phát huy thế mạnh nội lực xây dựng nông thôn mới - ảnh 1

Nghệ nhân làng gốm Bát Tràng.

Với thời gian phát triển liên tục từ hàng trăm năm trước, làng gốm Bát Tràng ngày nay phát triển ổn định bền vững. Gốm sứ Bát Tràng không chỉ chiếm lĩnh được thị trường nội địa mà còn xuất khẩu sang Châu Âu, Châu Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Hơn 50 công ty và những hộ gia đình trong xã đều tham gia sản xuất kinh doanh gốm sứ. Có doanh nghiệp một năm xuất khẩu doanh thu đạt 1 triệu đô la. Ông Phạm Huy Khôi cho biết: Mỗi hộ gia đình thu hút hàng trăm lao động hàng ngày, đảm bảo cho việc phát triển kinh tế, đời sống nhân dân từ đó phát triển. Qua đó nhân dân cùng thúc đẩy phát triển, áp dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất như đưa lò ga vào sản xuất. Thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 30 triệu/ năm. Mỗi một ngày đại phương nhận 5000 lao động tại các địa phương xung quanh làm việc, đó cũng là thuận lợi về nguồn nhân lực và tạo thu nhập ổn định cho Bát Tràng.

Là xã có nghề truyền thống và bề dày lịch sử văn hóa nên chính quyền xã Bát Tràng đặc biệt xác định xây dựng tiêu chí văn hóa. Trong quá trình phát triển, từng bước để hội nhập thế giới, những người làm nghề gốm ở Bát Tràng vẫn ý thức và gìn giữ được những nét văn hóa độc đáo của làng nghề. Nghệ nhân Phạm Ngọc Huy, xã Bát Tràng, cho biết:  Để Bát Tràng phát triển phải kết hợp cả thủ công và hiện đại. Những chất liệu nhờ thiết bị công nghệ hiện đại mình đưa vào máy nghiền cho nhỏ. Lò nung bằng củi thì có thiết bị đo nhiệt độ, sử dụng thiết bị hiện đại thì đảm bảo chất lượng tốt hơn. Dùng tấm kê nung cho sản phẩm không bị biến dạng. Giữa kỹ thuật công nghệ hiện đại với thủ công sẽ đem lại chất của Bát Tràng vươn lên. Đồng thời kiểu dáng mẫu mã được sáng tạo trên cái nền tảng của Bát Tràng.

Trong nhận thức của người đã làm nghề và hiện đang kinh doanh gốm tại Bát Tràng, chị Nguyễn Thị Dung  nhận định theo xu hướng hội nhập, làng nghề cần cải tiến mẫu mã, phương pháp nung gốm và nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng về độ an toàn của sản phẩm: Nhà tôi làm hàng kỹ từ cái bé nhất cũng phải vẽ bằng tay. Ngay từ lúc làm nghề, đời ông cha để lại xu hướng ngày một tiến lên làm hàng kỹ và không quên được sản phẩm truyền thống và điều này được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Theo xu thế thị trường bây giờ thì kỹ thuật đun đốt rất quan trọng. Chúng tôi còn nhập kỹ thuật khử tạp chất trong sản phẩm,bởi hàng xuất khẩu thì phải làm kỹ.

Hoàn thành cán đích các tiêu chí nông thôn mới là mục tiêu ban đầu chứ không phải là mục đích cuối cùng. Cái đích mà Bát Tràng hướng tới là một làng nghề phát triển bền vững, người dân có mức sống cao, được hưởng thụ các giá trị văn hóa, tinh thần. Song song với phát triển làng nghề là nhiệm vụ bảo tồn và giữ vững được các giá trị văn hóa  độc đáo của làng gốm Bát Tràng như kĩ thuật nặn gốm bằng bàn xoay thủ công, nung men rạn và tạo các sản phẩm giả cổ... Thời gian tới, Bát Tràng tiếp tục đầu tư hàng tỉ đồng để xây dựng Nhà văn hoá xóm, Khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm làng nghề, chợ gốm Bát Tràng và Bảo tàng gốm sứ Bát Tràng. Đây sẽ là những điều kiện giúp Bát Tràng trở thành một địa phương sớm cán đích  xây dựng nông thôn mới, đưa các sản phẩm gốm Bát Tràng chiếm lĩnh thị trường trong[A3]  nước và quốc tế ./.

Feedback