Trước đây làng Đa Sỹ còn có tên là làng Sẽ, sau đổi thành Đan Khê, Huyền Khê, Đan Sỹ và cuối cùng là Đa Sỹ (từ giữa thế kỷ 18). Đa Sỹ hiện nay thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Dưới thời phong kiến, tính từ thời nhà Lý (1010 - 1225) đến thời nhà Nguyễn (1802 - 1945), Việt Nam có 20 làng khoa bảng tiêu biểu. Triều đình phong kiến Việt Nam trước đây quy định làng nào có 10 người trở lên đỗ Tiến sĩ thì được coi là làng khoa bảng tiêu biểu.
Cổng làng Đa Sỹ |
Tính từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18, làng Đa Sỹ có tới 11 Tiến sĩ, 1 lưỡng quốc Trạng nguyên Hoàng Nghĩa Phú (Trạng nguyên của cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc). Họ Hoàng là dòng họ khoa bảng lừng danh ở làng Đa Sỹ, có 9 người đỗ Tiến sĩ, 1 lưỡng quốc trạng nguyên. Cụ Trịnh Quốc Hoàn, người được coi là “nhà văn hóa” của làng Đa Sỹ, kể lại: “Năm 1431, triều đình mở khoa thi cụ Hoàng Trình Thanh dự thi đỗ vào loại Nho lâm tứ thụ, tức là một trong bốn nhà Nho nổi tiếng nhất của Việt Nam. Bấy giờ chưa có thi Trạng nguyên, Tiến sĩ mà chỉ thi chọn 4 người đỗ đầu giỏi nhất nước. Cháu của cụ Hoàng Trình Thanh là Hoàng Nghĩa Phú thi đỗ Tiến sĩ Đệ nhất Giáp, tức là người đỗ đầu khoa thi, thời đó cũng chưa thi lấy Trạng nguyên. Đệ nhất Giáp là tương đương với Trạng nguyên. Sau đó cụ được đi sứ sang Trung Quốc và do tài giỏi, thông minh nên được vua Trung Quốc phong tặng là Trạng nguyên. Nên Hoàng Nghĩa Phú được người ta gọi là Lưỡng quốc Trạng nguyên. Về võ, thời nhà Trần, làng có Trần Triều Thái úy Vũ Phúc Thiện. Thái úy thời đó tương đương Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bây giờ".
Truyền thống học tập, thi cử của làng Đa Sỹ hiếm có nơi nào sánh được. Thời kỳ khai hoang lập ấp, con của cụ Hoàng Phúc Xuyên (ông tổ làng) là ông Hoàng Trình Thanh đã cho mở vườn học để dạy thêm cho con cháu trong làng. Chính phương pháp học này tạo nên sức hút mạnh mẽ, khuyến khích con em trong làng đi thi khoa cử. Đây là “Vườn học” duy nhất ở Việt Nam dưới thời nhà Lê (thế kỷ thứ 15).
Trong “Đại Việt sử ký toàn thư” có ghi công lao, sự nghiệp của Hoàng Trình Thanh. Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh bậc quan đại thần thời Lê Sơ là nhà khoa bảng, nhà giáo, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà văn hóa, nhà thơ lớn. Năm 1462, vua Lê Thánh Tông muốn đổi mới đường lối trị vì đất nước, đã xuống chiếu cầu lời nói thẳng, ông đã dâng 7 kế sách. Sớ tấu của Hoàng Trình Thanh với 7 kế sách lớn, trong đó chú trọng “Vi dân bản” (tức là chính sách của Triều đình phải được lòng dân, lấy dân làm gốc) đã được vua Lê Thánh Tông tin dùng và thể hiện khá đầy đủ trong Bộ luật Hồng Đức, bộ luật tiêu biểu của các triều đại phong kiến Việt Nam.
Ông Nguyễn Hồng Phấn, thợ giỏi làng Đa Sĩ trả lời phỏng vấn phóng viên VOV5 |
Cái tên Đa Sỹ được dùng cho tới ngày nay mang hàm ý là vùng đất khoa bảng với nhiều tiến sĩ bởi “Đa có nghĩa là nhiều và Sỹ có nghĩa là quan”. Ông Nguyễn Hồng Phấn, bậc cao niên trong làng, cho biết: “Qua bao thay đổi tên làng, sau cùng được nhà vua tấn phong tên làng là làng Đa Sỹ vì có nhiều Tiến sĩ. Văn bia ở Quốc Tử Giám dày đặc tên tuổi của Tiến sĩ người làng Đa Sỹ. Hiện nay miếu của làng Đa Sỹ vẫn còn cả đạo sắc phong các đời vua, tôn vinh truyền thống hiếu học. Đa Sỹ cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử quốc gia".
Làng Đa Sỹ còn sinh ra Danh y Hoàng Đôn Hòa (1498 - 1583). Hoàng Đôn Hòa được coi là ông tổ ngành quân y Việt Nam và nay được dân làng Đa Sỹ tôn thờ là Thành Hoàng làng. Danh y Hoàng Đôn Hòa đã kế thừa có sáng tạo một số bài thuốc của Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh (Ông Tổ ngành y Việt Nam). Sau này học trò của Hoàng Đôn Hòa là Trịnh Đôn Phác cũng rất tài giỏi. Cụ Trịnh Quốc Hoàn cho biết: “Cụ Hoàng Đôn Hòa để lại một tác phẩm nổi tiếng về y học có tên là Hoạt nhân toát yếu(tức là phép cốt yếu cứu người) gồm hàng ngàn bài thuốc quý. Sau này, cụ Trịnh Đôn Phác lấy đó làm kim chỉ nam cho sự nghiệp y học của mình. Trịnh Đôn Phác là người đứng đầu Thái Y Viện. Cụ Trịnh Đôn Phác là thày của Ngô Thì Nhậm, Lưu Hy Thái, sau này cả hai đều đỗ Tiến sĩ. Cụ Trịnh Đôn Phác có trình độ hết sức uyên thâm, chữa bệnh rất giỏi. Vua Càn Long và triều đình nhà Thanh, Trung Quốc rất nể trọng, kính phục Trịnh Đôn Phác vì cụ chữa khỏi bệnh cho Hoàng hậu nhà Thanh".
Ông Đinh Công Đoán gới thiệu về bằng công nhận nghệ nhân |
Theo các bậc cao niên trong làng Đa Sỹ, sở dĩ làng có nhiều nhân tài là nhờ nằm ở thế đất tứ linh (là thế đất nếu đứng từ trong nhà nhìn ra thấy Thanh Long (Rồng xanh) ở bên trái, Bạch Hổ (Hổ trắng) bên phải, Huyền Vũ (Rùa đen) ở sau và Chu Tước (chim sẻ đỏ) ở trước. Đây là thế đất phong thủy tốt, là nơi hội tụ và sản sinh nhân tài. Ngôi làng này có hình “phượng chùy” nghĩa là hình mỏ chim phượng, một thế phong thủy cũng rất tốt.