Đoàn kết trong xây dựng Nông thôn mới ở xã Na Hối, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Na Hối là một trong  sáu xã của huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, được chọn triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, đồng bào các dân tộc nơi đây đang cùng nhau xây dựng Na Hối hướng tới ấm no, giàu đẹp.
(VOV5) - Na Hối là một trong  sáu xã của huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, được chọn triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, đồng bào các dân tộc nơi đây đang cùng nhau xây dựng Na Hối hướng tới ấm no, giàu đẹp.


Đoàn kết trong xây dựng Nông thôn mới ở xã Na Hối, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai - ảnh 1
Đường nông thôn mới ở xã Na Hối


Nghe nội dung chi tiết tại đây:




Na Hối là một xã vùng 3 thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Hà đang được thụ hưởng từ Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ. Hiện toàn xã có 996 hộ/hơn 4.200 nhân khẩu, với 12 dân tộc như Nùng, Dao, H’Mông, Tày… sinh sống trên 15 thôn bản. Thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, xã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, phát động các phong trào hiến đất, góp công, góp sức của các hộ dân trong toàn xã để cùng xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2013, với sự đầu tư của Nhà nước và góp sức của người dân, Na Hối đã xây dựng được gần 3km đường bê tông, xây thêm 8 Nhà văn hóa, đến nay chỉ cón 1 thôn chưa có Nhà văn hóa; đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

 

Đoàn kết trong xây dựng Nông thôn mới ở xã Na Hối, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai - ảnh 2

Người dân làm nghề rèn

Đến thôn Na Háng B, một thôn nằm khá xa trung tâm xã Na Hối, trên con đường trải bê tông sạch sẽ. Từ xa đã nghe tiếng nhạc của điệu múa Xòe của Đội văn nghệ thôn đang tập luyện chuẩn bị cho Lễ Hội xuống đồng đầu xuân… Trưởng thôn Na Háng B Sền Văn Dũng phấn khởi chia sẻ: Nhà văn hóa mới được khánh thành có diện tích 240m vuông với tổng số tiền gần 120 triệu, trong đó mỗi hộ dân đóng góp 1,4 triệu. Bà con rất nhiệt tình ủng hộ bởi bà con rất muốn có một nơi để sinh hoạt cộng đồng. Tuy đời sống bà con các dân tộc còn nhiều khó khăn nhưng bà con vẫn ủng hộ đóng góp tiền và ngày công để xây Nhà văn hóa. Từ ngày có Nông thôn mới, đời sống kinh tế bà con ngày càng cao do con đường vận chuyển hàng hóa đã được bê tông hóa rất thuận tiện. Nông thôn mới đã mang lại niềm vui cho bà con của thôn.

 

Đoàn kết trong xây dựng Nông thôn mới ở xã Na Hối, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai - ảnh 3

Họp thôn và bình bầu tổ bảo vệ rừng tại thôn Na Áng A xã Na Hối


Ông Trần Hoàng Tuân, Bí thư Đảng ủy xã Na Hối, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới xã Na Hối, cho biết: Thuận lợi của Na Hối trong xây dựng Nông thôn mới là đó là sự quyết tâm của chính quyền và sự đồng thuận người dân. Nhiều tổ chức, các nhân tích cực tham gia hưởng ứng với nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, như gia đình bà Tráng Thị Lan, thôn Na Hối Tày, đã hiến 200m vuông đất và ủng hộ 10 triệu đồng để hoàn thiện con đường tới 2 thôn Sín Chải A và Sín Chải B. ÔNg Tuân cho biết: Đến nay, xã Na hối đã hoàn thành 11/19 tiêu chí của chương trình xây dựng Nông thôn mới. Có được kết quả này, chúng tôi cho rằng cần tích cực tuyên truyền để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của nông thôn mới. Với đồng bào dân tộc, chúng tôi phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân. Chúng tôi thấy rằng mô hình tuyên truyền vận động là hướng đột phá trong việc xây dựng Nông thôn mới. Thông qua mô hình này, Chính quyền gần dân hơn và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của cơ sở và giúp cho việc xây dựng nông thôn mới thành công hơn.

 

Đối với người dân Na Hối, nông thôn mới không chỉ là những con đường bê tông, xây được Nhà văn hóa mà quan trọng nhất, thiết thực nhất là đời sống của người dân phải được nâng cao và làm cho người dân thấy được Nông thôn mới giúp “giảm nghèo nhanh, bền vững”. Trong năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Na Hối giảm 10%, từ 36% xuống chỉ con 26%. Anh Sùng Văn Xèng, dân tộc H’Mông ở thôn Ngải Thầu, cho biết: Có Nông thôn mới làm bà con rất vui mừng, giờ đã có điện có đường. Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần ngày càng đi lên, càng tiến bộ. Nhà nước cũng tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn để phát triển sản xuất, thoát nghèo. Với gia đình tôi, trước đây chưa có đường, đi lại buôn bán rất khó khăn, giờ thì rất thuận tiện. Chúng tôi sản xuất ngô, lúa, làm rèn giờ có thể bán ngay tại nhà mình. Năm nay, tôi trồng 30 cân giống, thu hoạch được hơn 2 tấn thóc.

 

Đoàn kết trong xây dựng Nông thôn mới ở xã Na Hối, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai - ảnh 4

Nhà văn hóa thôn ở Na Hối


Hiện nay, thu nhập bình quân của xã Na Hối đạt gần 10 triệu đồng/người/năm, tuy chưa phải là cao nhưng đối với xã vùng cao còn nhiều khó khăn cũng giúp người dân ổn định cuộc sống. Xã thành lập Hợp tác xã sản xuất dược liệu, cao Atiso, Làng nghề chăn nuôi lợn bản địa… những công việc đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Với thuận lợi ở gần Thị trấn Bắc Hà, một địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, và sự đa dạng về văn hóa của đồng bào các dân tộc, Na Hối có thế mạnh rất lớn trong việc gắn phát triển du lịch với xây dựng Nông thôn mới. Ông Trần Đắc Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Na Hối, cho biết việc phát triển du lịch được xã rất chú trọng và coi đây là một trong những chủ trương lớn trong xây dựng Nông thôn mới: Na Hối đang xây dựng mô hình Du lịch cộng đồng. Các điểm du lịch nhà sàn của đồng bào dân tộc sẽ đón các du khách trong và ngoài nước đến tham quan cũng như nghỉ lại đây. Trong việc phát triển du lịch, đồng bào các dân tộc cũng chú trọng đến công tác vệ sinh môi trường để thôn xã luôn sạch sẽ… Từ đó du khách sẽ đến với Nam Hối nhiều hơn, giúp người dân có thêm thu nhập, phát triển đời sống.

 

Trong 2014, Na Hối quyết tâm hoàn thành thêm 2 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới là giao thông và văn hóa. Để đạt được điều này, xã Na Hối đang thực hiện đồng bộ việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là tìm đầu ra cho qủa mận Tam Hoa – một đặc sản của vùng cao Bắc Hà./.

Feedback