Các huyện miền núi Quảng Nam liên kết cùng thoát nghèo

Chia sẻ
(VOV5) - 3 huyện miền núi Tây Bắc tỉnh Quảng Nam gồm: Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang đã liên kết với nhau thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Miền núi Tây Bắc tỉnh Quảng Nam là vùng đất giàu tiềm năng và có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế. Tuy nhiên do là khu vực miền núi, điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn nên tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao. Vì thế, 3 huyện miền núi Tây Bắc tỉnh Quảng Nam gồm: Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang đã liên kết với nhau thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Các huyện miền núi Quảng Nam liên kết cùng thoát nghèo - ảnh 1  Mỗi năm một lần, lãnh đạo 3 huyện Đông Giang, Nam Giang và Tây Giang, tỉnh Quảng Nam ngồi lại bàn giải pháp giảm nghèo. - Ảnh: VOV

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Từ năm 2017, mỗi năm một lần, lãnh đạo 3 huyện miền núi Tây Bắc tỉnh Quảng Nam gồm Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang lại tổ chức cuộc họp để cùng nhau bàn giải pháp liên kết tìm hướng thoát nghèo. Mới đây, 3 huyện thống nhất xây dựng các Đề án liên kết phát triển vùng Tây Bắc tỉnh Quảng Nam xoay quanh 3 trụ cột chính, đó là phát triển du lịch, phát triển rừng gỗ lớn và mở rộng phát triển cây dược liệu. Ông Bling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, cho rằng rừng ở vùng Tây Bắc chiếm hơn 50% diện tích của cả tỉnh, thích hợp cho việc phát triển trồng gỗ lớn. "Nếu tập trung trồng rừng gỗ lớn thì cũng phải phát triển mạnh hạ tầng giao thông kết nối từ trung tâm các xã, các huyện với vùng nguyên liệu. Trồng rừng gỗ lớn theo Chứng chỉ Quản lý rừng hiệu quả cho doanh nghiệp (SSC) không phải đơn thuần làm được, phải có sự liên kết. Bởi vì hiện nay rừng của chúng ta không phải cả ngàn héc ta liên vùng, liên thửa, mà nó phân bố rải rác nhiều nơi".

Bên cạnh đó, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở khu vực miền núi Tây Bắc tỉnh Quảng Nam cũng rất thích hợp để trồng các loại cây dược liệu như ba kích, đẳng sâm, sa nhân tím…. Ông A Lăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, cho rằng trồng cây dược liệu dưới tán rừng vừa tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, vừa tạo sinh kế bền vững giúp đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo: "Ở vùng này vốn dĩ đã có dược liệu. Bây giờ cái gì có thì mình bảo tồn, phát triển, tạo thành vùng nguyên liệu. Ở trên thì rừng, giữ rừng. Ở dưới tán rừng thì khai thác các tiềm năng, sản phẩm ngoài gỗ, đó là dược liệu. Cái này chủ trương của tỉnh có nhưng về tập trung để đầu tư nguồn lực cho phát triển cái này thì chưa được qua tâm đúng mức".

Các huyện miền núi Quảng Nam liên kết cùng thoát nghèo - ảnh 2

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (đang phát biểu) đánh giá cao sự chủ động của 3 địa phương khu vực Tây Bắc tỉnh Quảng Nam trong việc hợp tác phát triển du lịch, trồng rừng gỗ lớn và mở rộng phát triển cây dược liệu. - Ảnh: VOV

Với những khu rừng hoang sơ cộng với những nét tương đồng về văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào vùng cao, 3 huyện miền núi Tây Bắc có nhiều lợi thế để kết nối phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Các huyện đang xây dựng đề án hợp tác phát triển du lịch. Đã có nhiều mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, các tour du lịch trải nghiệm đi vào hoạt động, thu hút nhiều du khách

Theo ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, việc 3 huyện khu vực Tây Bắc tỉnh Quảng Nam hợp tác phát triển du lịch, trồng rừng gỗ lớn và mở rộng phát triển cây dược liệu.. là cách làm tốt để giúp người dân giảm nghèo bền vững. "Tỉnh Quảng Nam đã thực hiện một số cơ chế mang tính chất là vừa làm, vừa thăm dò để chuẩn bị xây dựng 1 chương trình phát triển miền núi lớn hơn trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030. Các chính sách này không riêng 3 huyện, mà các huyện cũng phải tận dụng để khai thác tốt. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là quyết tâm và phương pháp làm. Đặc biệt, phải huy động được nguồn lực xã hội tham gia; tạo sự đồng thuận trong nhân dân và xây dựng được phương thức sản xuất phù hợp với khu vực miền núi và tạo điều kiện để thu hút doanh nghiệp có tiềm năng vào đầu tư phát triển".

Việc liên kết giữa 3 huyện trong thời gian qua được triển khai một cách chủ động và hiệu quả, là một cách làm hay giúp các địa phương kết nối, tìm hướng đi mới bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống cho đồng bào miền núi. Trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng thêm một số cơ chế chính sách liên quan đến phát triển du lịch gắn với trồng rừng gỗ lớn và phát triển cây dược liệu, tạo cơ hội để Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang, phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả hơn nữa./.

Feedback