(VOV5) - Những năm đầu thập niên 70, nhiều địa phương của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, phát động rộng khắp mô hình trồng cây quế. Từ đó đến nay, cây quế trở thành cây chủ lực của địa phương, gắn bó và đem lại đời sống khấm khá cho hàng nghìn hộ gia đình, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc Dao.
|
Cây quế cho nhiều sản phẩm: vỏ, tinh dầu, gỗ. Ảnh: baomoi |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Gia đình ông Triệu Tiến Bảo ở thôn Khe Lợ, xã Viễn Sơn có 20 héc ta đất trồng cây quế. Khi các con xây dựng gia đình, theo phong tục tập quán của người Dao, ông Bảo chia cho các con từ 2 đến 3 héc ta để làm vốn. Hiện vợ chồng ông Bảo còn lại hơn 5 héc ta quế. Không chỉ chăm sóc và thu hoạch quế, gia đình ông còn làm đại lý thu mua quế cho bà con trong thôn, trong xã. Giá quế và thị trường tiêu thụ ổn định nên những năm gần đây, năm nào gia đình ông cũng có thu nhập gần 200 triệu đồng. Ông Triệu Tiến Bảo cho biết: “Cây quế đem lại hiệu quả kinh tế cao nên đã gây dựng được phong trào nhà nhà, người người trồng quế. Cây quế gắn bó với đời sống bà con nên không bao giờ bỏ được; sau khi thu hoạch quế rồi thì lại tiếp tục trồng thêm. Trồng quế có thu nhập nên bà con có cuộc sống ấm no”.
Bà Đặng Kim Thanh ở thôn 1, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên chia sẻ: “Trước đây, gia đình khó khăn, làm ruộng thôi, từ khi trồng quế thì gia đình tôi cũng trồng được 5, 6 héc ta quế. Đến khi cây được 5,6 tuổi thì khai thác tỉa dần, từ đó kinh tế gia đình cũng khá hơn, sắm sửa tiện nghi gia đình, nuôi các con ăn học, mua được phương tiện đi lại”.
Những năm qua, huyện Văn Yên luôn xác định cây quế là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế. Các xã: Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Xuân Tầm, Châu Quế Hạ, Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng và Tân Hợp là những vùng quế trọng điểm của huyện. Để hỗ trợ người trồng quế duy trì diện tích và nâng cao chất lượng sản phẩm, huyện Văn Yên hỗ trợ bà con về giống, lồng ghép 1 số chương trình, dự án để hỗ trợ nhân dân khai thác và chăm sóc cây quế. Đặc biệt hàng năm trong kế hoạch trồng rừng của huyện, diện tích trồng quế luôn chiếm trên 80%. Ông Hoàng Văn Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, cho biết: “Chính quyền địa phương đã phát động toàn dân trồng quế. Ở Đại Sơn chúng tôi thì đồng bào Dao chiếm trên 70%. Trước đây diện khó khăn nhiều, trên 50%; đến nay số hộ khó khăn đã giảm nhiều nhờ trồng quế. Bây giờ ở Đại Sơn chúng tôi 100% số hộ trồng quế”.
|
Quế Văn Yên nay đã có thương hiệu. Ảnh: baomoi.com |
Hiện nay, Văn Yên là địa phương có vùng quế lớn nhất cả nước với diện tích trên 40.000 héc ta, chiếm 70% sản lượng của cả tỉnh Yên Bái, hàng năm đem lại thu nhập trên 400 tỷ đồng cho bà con nông dân. Năm 2011, cây quế Văn Yên được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học công nghệ cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, là cơ sở để phát huy giá trị của cây quế nơi đây. Ông Vũ Quang Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: Với những lợi thế và sự phù hợp, cây quế sẽ tiếp tục được xác định là cây chủ lực của địa phương: “Cây quế đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Chúng tôi đang tiếp tục mở rộng diện tích, trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu quế Văn Yên, giữ vững chỉ dẫn địa lý quế Văn Yên. Thứ nhất là sản xuất được quế vỏ có thương hiệu, thứ 2 là sản xuất tinh dầu quế đảm bảo nhu cầu thị trường, thứ 3 là thân gỗ cây quế thì để các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất gỗ ván bóc, gỗ thanh tại địa phương cũng như xuất khẩu”.
Những đồi quế ngày càng xanh tốt, ngút ngàn trên vùng cao Văn Yên, không chỉ giúp người dân xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu; đồng thời phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và bảo vệ môi trường sinh thái. Từ năm 2015 đến nay, Lễ hội quế Văn Yên được tổ chức như một sản phẩm du lịch góp phần quảng bá, giới thiệu mảnh đất, con người Văn Yên đến bạn bè trong nước và quốc tế.