Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 27/10, tại Hà Nội, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Phiên thảo luận diễn ra trong 2 ngày 27/10 và 28/10 và được phát thanh, truyền hình trực tiếp để mọi cử tri được tiếp nhận thông tin.
Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, các đại biểu cho rằng 9 tháng năm 2022, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế; dự báo năm 2022 có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch Quốc hội giao.
Ông Nguyễn Hữu Thông, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, cho rằng: "Kinh tế đang phục hồi tích cực và đạt kết quả khá toàn diện. Năm 2022 ước tăng trưởng GDP 8%. Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới được các tổ chức quốc tế uy tín trên thế giới đánh giá cao việc phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế hiệu quả."
Theo các đại biểu điểm sáng kinh tế Việt Nam hiện nay là xuất khẩu tăng mạnh, doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh, thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư nước ngoài… Tuy nhiên tác động của đại dịch COVID-19 vẫn còn nặng nề, xung đột địa chính trị các nước, giá dầu thế giới tăng mạnh… ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam.
Trước thực trạng này, ông Huỳnh Thanh Phương, đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, nêu ý kiến: "Theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính tiền tệ thế giới để thực hiện linh hoạt trong quá trình kết hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay xung đột địa chính trị giữa các khu vực dẫn đến chuyển đổi cơ cấu kinh tế dài hạn trên toàn thế giới. Vì vậy phải đảm bảo nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ trong hội nhập kinh tế giai đoạn mới. Trước mắt, tập trung khai thác các hiệp định thương mại và đầu tư nhằm thúc đẩy xuất khẩu."
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế mỗi nước, các đại biểu lưu ý phát triển nền kinh tế số. Quy mô kinh tế số của Việt Nam năm 2021 đạt 21 tỷ USD, đóng góp khoảng 6% GDP, xếp thứ 14/50 của châu Á… Mục tiêu phát triển kinh tế số đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực tối thiểu 20%. Ông Lê Hoàng Hải, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, góp ý: "Tôi đề xuất nâng cao chất lượng hạ tầng số và nguồn nhân lực số. Xây dựng các kịch bản chuyển đổi số. Việc xây dựng các kịch bản sẽ giúp các ngành, các doanh nghiệp xây dựng được mục tiêu, lộ trình kịch bản phát triển kinh tế số tại đơn vị mình phù hợp và hiệu quả hơn."
Trong sáng 27/10, các đại biểu cũng thảo luận về: văn hóa, y tế, xây dựng nông thôn mới, đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia…