Sáng ngày 29/5, Quốc hội nghe Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Công ước số 98 về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể là một trong tám công ước cơ bản của ILO. Tính đển tháng 01/2019, đã có 165 trên tổng số 187 quốc gia thành viên của ILO tham gia Công ước này. Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế - quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc gia nhập Công ước số 98 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế-xã hội.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại phiên họp ngày 29/05 |
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh:"Việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98 sẽ tiếp tục khẳng định, cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không trái với quy định của Hiến pháp; bảo đảm nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thể quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, binh đẳng, cùng có lợi và những nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế; bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; phù hợp với đường lối đối ngoại của Việt Nam về hội nhập kinh tế quốc tế. Việc gia nhập Công ước số 98 sẽ hỗ trợ việc thực hiện tốt hơn một số công tác khác mà Việt Nam là thành viên, thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đòi hỏi quốc gia thành viên phải tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản."
Thảo luận tại tổ, các đại biểu đều tán thành về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98 và cho rằng điều này khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động. Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Đoàn Hà Nội, cho rằng:
"Việc phê chuẩn thể hiện tinh thân rất chủ động, tích cực hội nhập của Việt Nam nhưng đồng thời tạo nên môi trường xã hội, môi trường lao động tích cực để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động, từ đó thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Tất nhiên khi tham gia, Việt Nam sẽ phải nội luật hóa để đảm bảo các quy định pháp luật đồng bộ, tạo tiền đề cho phát triển và để quốc tế nhìn nhận được những thay đổi này."
Cùng ngày, Quốc hội nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra về việc phân bổ dự phòng chung vốn Ngân sách Trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử về 02 nội dung của dự thảo Luật Thi hành án hình sự; và thảo luận ở tổ về việc gia nhập Công ước số 98 và dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).