Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia chủ động, tích cực và xây dựng vào các hoạt động của Ủy hội sông Mekong

Vũ Khuyên
Chia sẻ
(VOV5) - Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ lo ngại với việc lưu vực sông đang đứng trước những thách thức chưa từng có do tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu.

Sáng 05/04, tại Vientiane, Lào, Hội nghị Cấp cao lần thứ 4 Ủy hội sông Mekong quốc tế với chủ đề “Đổi mới và hợp tác nhắm bảo đảm an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của Lưu vực sông Mekong” chính thức khai mạc. Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Tổng Thư ký Văn phòng Tài nguyên nước Thái Lan cùng Lãnh đạo và đại diện các Đối tác Đối thoại, Đối tác Phát triển, các tổ chức quốc tế, khu vực, các tổ chức xã hội và cộng đồng.

Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia chủ động, tích cực và xây dựng vào các hoạt động của Ủy hội sông Mekong - ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị cấp cao Uỷ hội sông Mê Công quốc tế. Ảnh: VOV

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò của Ủy hội sông Mekong quốc tế, cho rằng các thành tựu của Uỷ hội đã và đang góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện cuộc sống của gần 70 triệu người dân trong lưu vực.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng bày tỏ lo ngại với việc lưu vực sông đang đứng trước những thách thức chưa từng có do tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu, sức ép của yêu cầu phát triển kinh tế và sự gia tăng sử dụng nước nhanh chóng.

Các tác động này ngày càng trở nên trầm trọng hơn ở các khu vực hạ nguồn sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của gần 20 triệu người dân, cũng như nỗ lực bảo đảm an ninh nguồn nước và an ninh lương thực cho tất cả các quốc gia trong lưu vực.

Thủ tướng đã đưa ra một số đề xuất về định hướng hợp tác của Uỷ hội trong thời gian tới: “Thứ nhất, cần tái khẳng định cam kết mạnh mẽ nhất, nghiêm túc tuân thủ và thực hiện Hiệp định Mekong năm 1995, cũng như Bộ Quy chế sử dụng nước đã được xây dựng, đồng thời tập trung thực hiện tốt các kế hoạch, chiến lược của Ủy hội. Thứ hai, mọi chính sách và hành động cần lấy con người làm trung tâm, với cách tiếp cận toàn dân, toàn diện và toàn lưu vực, nhằm bảo đảm sinh kế bền vững của người dân, tăng cường khả năng thích ứng, tự cường của người dân, tăng cường khả năng thích ứng, tự cường của mỗi cộng đồng trước những biến đổi nhanh chóng hiện nay. Thứ ba, tăng cường sự phối kết hợp giữa Ủy hội và các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng khác, trong đó phát huy vai trò trung tâm tri thức của Uỷ hội”.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng hợp tác Mekong, đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia vào các hoạt động của Ủy hội một cách chủ động, tích cực và xây dựng, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhân dân các nước, lợi ích các quốc gia trong Lưu vực, và hiện thực hóa mục tiêu chung là phát triển bền vững Lưu vực sông Mekong, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc làm việc với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Tại đây, 3 Thủ tướng nhất trí tiếp tục duy trì hình thức gặp gỡ giữa 3 Thủ tướng để không ngừng thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa ba nước. 3 Thủ tướng khẳng định kiên trì nguyên tắc không cho phép các thế lực thù địch sử dụng lãnh thổ nước này làm phương hại đến an ninh của nước kia; nhất trí phối hợp củng cố quốc phòng, an ninh biên giới, ngăn chặn tội phạm xuyên quốc gia, ngăn chặn các âm mưu chống phá quan hệ ba nước. Cùng với đó, nhấn mạnh 3 nước cần đẩy mạnh hợp tác kết nối ba nền kinh tế, hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp ba nước. Thủ tướng 3 nước cùng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế, đóng góp vào việc duy trì, củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).               

Feedback