Đây là nội dung được lãnh đạo các bộ, ngành đề cập tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 05/02, tại Hà Nội, trong bối cảnh dịch cúm do chủng mới của virus corona (nCoV) đang ảnh hưởng tới kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ xác định, việc chống dịch nCoV là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay nhưng tuyệt đối không được lơ là việc thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra, phải chủ động để giữ được nhịp độ phát triển.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo.
Ảnh: TH |
Để triển khai chỉ đạo này, Bộ Kế hoạch đầu tư trình Thủ tướng kịch bản phát triển kinh tế - xã hội mới. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, mức độ ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hay ít phụ thuộc vào thời điểm khống chế, kiểm soát được dịch.
"Bộ KH&ĐT đã chuẩn bị và phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp thông tin, số liệu để xây dựng báo cáo đánh giá tác động của dịch cúm viêm đường hô hấp cấp tới tăng trưởng kinh tế. Bộ KH&ĐT sẽ thường xuyên cập nhật thông tin, rà soát thường xuyên phương án kịch bản để báo cáo kịp thời Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ".
Trong bối cảnh nhiều nước đã tung các gói hỗ trợ kinh phí cho những ngành, lĩnh vực chịu rủi ro từ dịch bệnh, riêng Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: "Về gói kích cầu, chúng ta phải nhìn một cách tổng thể, đến thời điểm này chúng ta chưa đặt vấn đề như vậy. Nếu như có vấn đề dịch bùng phát nghiêm trọng hơn thì lúc đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới bàn đến. Vì chúng ta phải bảo đảm các chỉ số, làm sao để không bị ảnh hưởng. Đây là vấn đề chúng ta phải cân nhắc. Việt Nam chưa đến mức phải tung ra các gói kích cầu."
Về việc tìm đầu ra cho nông sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: "Trước mắt, Bộ NN&PTNT đã thống nhất với Bộ Công Thương không tiếp tục chuyển hàng nông sản lên biên giới, mà tập trung tiêu thụ tại nội địa, chế biến sâu sản phẩm. Chúng tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp và địa phương hướng đến giải pháp chế biến sâu hàng nông sản. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Về lâu dài, Bộ NN&PTNT đã lên kế hoạch cơ cấu lại sản phẩm nông nghiệp tại các địa phương phù hợp với thị trường.
Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai thông tin về một số giải pháp để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển ổn định và bền vững trong bối cảnh dịch nCoV chưa được đẩy lùi.