Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh chung với lãnh đạo, trưởng đoàn các nước dự Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc 2018 và Diễn đàn kinh tế thương mại quốc tế Hồng Kiều - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
|
Sáng 05/11, tại thành phố Thượng Hải, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khai mạc Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất. Đây là một trong 4 sự kiện đối ngoại quan trọng nhất của Trung Quốc năm 2018 với sự tham gia của 18 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước, hơn 3000 doanh nghiệp của 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ ổn định, mong muốn cùng Trung Quốc và các nước thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại phát triển bền vững; ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở, công bằng, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ với WTO là nền tảng; ủng hộ tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư; sẵn sàng cùng các nước nỗ lực ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và thế giới.
Thủ tướng phát biểu tại lễ khai mạc - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
|
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng giới thiệu một số thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của Việt Nam; mong muốn thông qua Hội chợ, Lãnh đạo và doanh nghiệp các nước sẽ hiểu hơn về các sản phẩm của Việt Nam, thúc đẩy hợp tác xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước. Thủ tướng khẳng định Việt Nam cam kết tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế tiên tiến và các tiêu chuẩn cao trong các Hiệp định FTA thế hệ mới.
Để tăng cường hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế, khu vực, bên cạnh các hoạt động quảng bá, Thủ tướng cho rằng, các bên cần tăng cường đối thoại, trao đổi chính sách giữa các Chính phủ và doanh nghiệp; tăng cường sự công khai, minh bạch và kịp thời chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, cùng “kết nối và sáng tạo” và mở ra cơ hội hợp tác mới trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0. Cùng với đó là tích cực hoàn thiện thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là về hải quan, kiểm dịch theo hướng thông thoáng, hiệu quả nhằm tối ưu hóa quy trình và hiệu quả thông quan; phối hợp thúc đẩy các dự án kết nối hạ tầng giao thông, thuận lợi hóa thương mại, logistics.