Việt Nam khuyến nghị các quốc gia tăng cường trao đổi kinh nghiệm thực hiện quyền trẻ em

Chia sẻ
(VOV5) Ngày 1/4, trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU-132, Ủy ban Thường trực Dân chủ và Nhân quyền tổ chức hội thảo với chủ đề “25 năm Công ước về quyền trẻ em: Cuộc sống của trẻ em liệu đã tốt hơn” nhằm nhìn nhận lại tiến trình thực hiện cải thiện cuộc sống của trẻ em trên toàn cầu. 

(VOV5) Ngày 1/4, trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU-132, Ủy ban Thường trực Dân chủ và Nhân quyền tổ chức hội thảo với chủ đề “25 năm Công ước về quyền trẻ em: Cuộc sống của trẻ em liệu đã tốt hơn” nhằm nhìn nhận lại tiến trình thực hiện cải thiện cuộc sống của trẻ em trên toàn cầu. 


Các đại biểu đã tập trung thảo luận về quyền trẻ em trong giai đoạn hiện tại và nhấn mạnh việc chăm sóc sức khỏe trẻ em, quyền của trẻ em, những thành tựu đạt được và chỉ ra thách thức trong nỗ lực chấm dứt bạo lực trẻ em; nhấn mạnh các quốc gia trên thế giới phải có nghĩa vụ bảo vệ trẻ em cả về thể chất lẫn tinh thần. Ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCSHCM, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ trẻ, thành viên Đoàn Việt Nam, cho biết Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để thực hiện quy định trong Công ước cũng như những khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em; thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ báo cáo và đối thoại về tình hình thực hiện Công ước và hai Nghị định thư bổ sung. Hiến pháp Việt Nam mới được sửa đổi năm 2013 đã ghi nhận một cách đầy đủ các quyền của trẻ em, đó là “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Cũng tại hội thảo, đoàn Việt Nam đưa ra khuyến nghị cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong việc thực hiện quyền trẻ em giữa các quốc gia để tìm giải pháp phù hợp cho vấn đề trẻ em trong nước; tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác trẻ em.

Feedback