(VOV5)- Sáng nay, Đại học Luật Hà Nội tổ chức tọa đàm về “Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam dưới góc độ luật pháp quốc tế”.
Tại buổi tọa đàm, các học giả, chuyên gia nghiên cứu khoa học về biển và hải đảo khẳng định việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 là vi phạm nghiêm trọng đối với quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Luật biển năm 1982 và Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC).
Tiến sĩ Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu khoa học Biển và Hải đảo, Giám đốc Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), khẳng định: Chiểu theo 7 nguyên tắc lớn được Liên hợp quốc thông qua năm 1970 - Tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản của Luật pháp quốc tế, thì Trung Quốc đang vi phạm và đặc biệt chiếu theo nguyên tắc, mục tiêu về Luật biển năm 1982 thì nhẽ ra Trung Quốc với tư cách là thành viên Thường trực của Hội đồng bảo an, quốc gia tham gia công ước này Trung Quốc hơn ai hết là người chấp hành, tuy nhiên Trung Quốc ngày càng vi phạm và vi phạm ngày càng nghiêm trọng.
Nhiều đại biểu đồng tình với đường lối giải quyết tình hình hiện tại bằng con đường hòa bình, hữu nghị của Chính phủ Việt Nam và phê phán Trung Quốc yêu cầu Việt Nam phải rút tàu mới đàm phán. Tiến sĩ Lê Quý Quỳnh, chuyên viên cao cấp nghiên cứu về luật Biển, cho rằng: Trong buổi họp báo mới đây, Bộ Ngoại giao của Trung Quốc đưa ra đề nghị hết sức phi lý, yêu cầu Việt Nam đưa hết tàu khỏi khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép thì mới ngồi vào bàn đàm phán. Phi lý ở chỗ anh đã vi phạm quyền và quyền tài phán mà Trung Quốc yêu cầu Việt Nam phải ra trước. Trung Quốc cố tình đánh đồng hành động vi phạm quyền, chủ quyền quốc gia và quyền tài phán quốc gia, vi phạm luật pháp quốc tế với hành động chính đáng của Việt Nam./.