Tối 2/10, Tổng thống Ireland Michael D. Higgins đã có bài phát biểu chào mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại bữa tiệc tối nhân chuyến thăm cấp Nhà nước. VOV5 trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Tổng thống Ireland Michael D. Higgins.
Tôi rất vinh hạnh khi được chào đón quý vị trong buổi tối ngày hôm nay. Chào mừng quý vị đến với Áras an Uachtaráin, nơi ở của tất cả Tổng thống Ireland từ năm 1938. Tôi cũng rất vinh dự khi có cơ hội được đáp lễ sự hiếu khách mà quý vị đã dành cho Sabina và tôi vào năm 2016 khi chúng tôi đến thăm đất nước xinh đẹp và tuyệt vời của quý vị, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Tôi cảm thấy vô cùng vinh hạnh khi được là Tổng thống Ireland đầu tiên thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam. Tôi hy vọng chuyến thăm của tôi sẽ góp phần duy trì và củng cố tình hữu nghị chân thành và ngày càng phát triển của chúng ta, gắn kết người dân hai nước Ireland và Việt Nam.
Tôi chắc chắn rằng chuyến thăm của quý vị đến Ireland hôm nay sẽ phát triển và mở rộng mối quan hệ này ngày càng bền chặt hơn nữa. Tôi vẫn nhớ chuyến thăm đến cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam mà một số Công ty của Ireland đang làm việc tại đó.
Chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên từ Việt Nam đến Ireland này sẽ là cơ hội tuyệt vời hơn nữa để nhìn nhận và đổi mới mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Tôi cũng muốn nhân cơ hội này để bày tỏ tình đoàn kết với ngài Chủ tịch, và thông qua ngài, bày tỏ niềm thương cảm với người dân Việt Nam đang phải gánh chịu sự mất mát, thương tâm về người cũng như những ảnh hưởng tàn phá do cơn bão Yagi gây ra. Thay mặt cho người dân Ireland, tôi xin chân thành bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc đến những gia đình và cộng đồng đang chịu ảnh hưởng của cơn bão. Là đối tác phát triển lâu dài với Việt Nam, Ireland cam kết hỗ trợ nỗ lực phục hồi nhân đạo.
Tôi cũng xin được thành kính phân ưu với sự ra đi gần đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong chuyến thăm Việt Nam hồi 2016, tôi đã gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông ấy là một nhân vật quan trọng có tầm quốc tế. Ông đã có những cống hiến to lớn cho Việt Nam.
Tôi cũng xin mạn phép chia sẻ rằng hai nước chúng ta, Việt Nam và Ireland, có rất nhiều điểm chung về lịch sử. Người Ireland chúng tôi có rất nhiều cách để có thể xác định, đồng cảm và tưởng tượng, nguồn cảm hứng của người Việt Nam về độc lập và quyền đạt được sự hoàn thiện với sự tôn trọng văn hóa riêng của người khác.
Hành trình của Ireland và hành trình của Việt Nam là những hành trình chạm đến trái tim. Đất nước của quý vị đã phải trải qua hành trình lịch sử với rất nhiều đau khổ do các thế lực ngoại xâm gây ra. Lịch sử đó không thể ảnh hưởng đến hiện tại hay tước đoạt khả năng của quý vị trong tương lai, và việc không thừa nhận những ký ức sai lệch liên quan đến các hậu quả của nó là vô cùng quan trọng. Toàn bộ lịch sử của quý vị đều thuộc về quý vị, và thế giới phải học hỏi từ những thảm kịch mà đất nước của quý vị đã phải gánh chịu.
Thực ra, hình ảnh chiến tranh tàn bạo từ Việt Nam – tôi nghĩ các tấm áp phích về chiến tranh ở Việt Nam – đã có tác động rất lớn đến các cuộc đấu tranh về nhân quyền trên toàn thế giới.
Cả hai nền văn hóa của chúng ta đều có nguồn gốc từ nền văn minh cổ đại, nổi tiếng với các giá trị về học thuật, nuôi dưỡng tinh thần và nghệ thuật. Người dân của hai nước chúng ta đều phải chịu đựng trải nghiệm độc hại của sự áp đặt nhận thức về sự vượt trội của nền văn hóa bá quyền, của đế quốc, và trong trường hợp của quý vị, là tham vọng của bốn chủ nghĩa đế quốc. Cả hai nước chúng ta đều chịu tai họa của nạn đói cùng nhiều hệ lụy sâu sắc của nó.
Về mặt văn hóa, cả hai nước chúng ta đều phải chịu đựng các lý thuyết về văn hóa của chủ nghĩa đế quốc nhằm biện minh cho sự vượt trội của những kẻ thực dân so với những kẻ bị thực dân xâm chiếm, và để hợp lý hóa sự cai trị thế giới, không phải do phần đông chủng tộc mà do số ít thế lực đế quốc.
Người dân của chúng ta đã lãnh đạo cuộc đấu tranh kiên cường và bất khuất để giành độc lập, liên quan đến các cuộc họp ở Paris. Chúng tôi nhớ lại Hội nghị Hòa bình Paris năm 1919, sau đó là sự xung đột của các Đế Quốc do Thế Chiến I tạo ra; một hội nghị mà ở đó thanh niên Hồ Chí Minh đã gửi kiến nghị yêu cầu người Pháp thực hiện lời hứa về độc lập. Nhiều xung đột đương thời là kết quả của kết cục chưa hoàn thành của những đế quốc như vậy. Hồ Chí Minh không hề đơn độc khi không nhận được câu trả lời từ các cường quốc thế giới đang chủ trì hội nghị.
Tương tự như vậy, cánh cửa vào Paris cũng đóng chặt trước những người Cộng hòa Ireland đến để tìm kiếm sự hỗ trợ độc lập khỏi Đế quốc Anh. Sự từ chối mà hai vị lãnh tụ người Ireland và Việt Nam phải nhận vào thời điểm đó là bằng chứng cho những rủi ro khi đặt niềm tin quá mức vào sự nhượng bộ của một thế lực đế quốc.
Việt Nam và Ireland hiểu rằng việc đảm bảo, chứng minh và thực hiện những lời hứa về tự do, công lý và bình đẳng là vô cùng khó khăn, điều này đã tạo động lực và được kêu gọi đấu tranh giành độc lập. Sau không khí say sưa của ngày tuyên bố độc lập là những thập kỷ khó khăn nhất.
Sự đồng cảm về mặt lịch sử đã mang lại cho chúng ta không chỉ hiểu biết chung về ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân và xung đột, mà còn về các nhiệm vụ xây dựng đất nước và đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời tiếp tục củng cố tầm ảnh hưởng trong mối quan hệ của chúng ta ở mọi cấp độ. Trong những thập kỷ gần đây, hai nước chúng ta đã trải qua một hành trình đầy thách thức nhưng vô cùng ý nghĩa, từ xung đột đến trái ngọt, mối quan hệ hòa hợp với những thế hệ tiếp nối của những người đã từng áp bức chúng ta. Cả hai nước đều trân trọng giá trị của hòa bình và sự ổn định trong thế giới đầy hỗn loạn này.
Về mặt kinh tế, cả Ireland và Việt Nam đều nhanh chóng chuyển từ sự phụ thuộc vào nền kinh tế nông nghiệp tương đối nghèo nàn sang các hình thức của nền kinh tế sản xuất đa dạng hơn và đạt được những tiến bộ đáng kể về kinh tế và xã hội trong thế giới phức tạp và toàn cầu hóa, ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, và không chỉ là vấn đề về thương mại, mà còn tạo ra các vấn đề toàn cầu chẳng hạn như liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu.
Thế giới hiện nay đòi hỏi một kiến trúc đa phương toàn cầu mới và giàu trí tưởng tượng nếu muốn đạt được tương lai dân chủ đa dạng hóa, một tương lai có thể mang lại liên kết mới giữa các quyền lợi xã hội, kinh tế học và sinh thái học.
Việt Nam sẽ được ca ngợi về các thành tựu trong việc xóa đói giảm nghèo, cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục và cải thiện cơ sở hạ tầng. Hồi 30 năm trước, có tới 60% dân số Việt Nam sống trong cảnh nghèo đói, tỉ lệ nghèo đói đa chiều hiện nay là dưới 4%.
Nhờ cam kết Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc hướng dẫn, thành tựu nổi bật này đã biến đổi đời sống và tài sản của mười triệu người dân. Trong suốt chuyến thăm của mình, tôi đã tận mắt chứng kiến năng lượng và sự năng động mà người dân của quý vị đã thực hiện để tạo nên sự tiến bộ này. Những thành tựu như vậy không khác gì một dạng tài sản xã hội chung.
Phương pháp tiếp cận của Ireland đối với Hỗ trợ phát triển chính thức trong những thập kỷ qua đã được đúc kết từ kinh nghiệm riêng của Ireland về nạn đói và sự kém phát triển. Do đó, chúng tôi ưu tiên hỗ trợ an ninh thực phẩm như một phần của chương trình hỗ trợ phát triển của mình. Tại Việt Nam điều này được phản ánh qua mối Quan hệ đối tác nông nghiệp thực phẩm Ireland Việt Nam, nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, biến đổi hệ thống thực phẩm và sự phát triển hợp tác.
Tôi biết rằng Việt Nam đặc biệt quan tâm đến phong trào hợp tác xã của Ireland, đây là phong trào đã thúc đẩy nền dân chủ kinh tế trước bối cảnh thay đổi chính trị sâu rộng mang lại độc lập hơn một thế kỷ trước. Những thách thức mới trên toàn cầu nhắc nhở chúng ta rằng việc tìm hiểu lại lần nữa xem chúng ta có thể xây dựng nền kinh tế hợp tác hơn như thế nào để có thể cùng nhau phát triển thịnh vượng, toàn diện, tồn tại bền vững là vô cùng xứng đáng.
Trong những thập kỷ gần đây, Việt Nam và Ireland đã trải qua mối quan hệ đầu tư và thương mại đôi bên cùng có lợi. Đi cùng với sự thay đổi nhanh chóng và các cơ hội mới là những thách thức to lớn mới, đặc biệt liên quan đến nền kinh tế toàn cầu hóa và cấu trúc thương mại mà Việt Nam và Ireland đang mở ra.
Những cấu trúc như vậy chứa đựng rủi ro tập trung vào tầm quan trọng của sự minh bạch và trách nhiệm giải trình, đồng thời đặt ra các câu hỏi nghiêm trọng, đặc biệt là sự gia tăng của rất nhiều mô hình phát triển không phù hợp, không được kiểm soát và thiếu dân chủ, tất cả những điều này đang dẫn đến cuộc khủng hoảng hợp pháp hóa mà nhà triết học người Đức Jürgen Habermas đã đề cập lần đầu tiên cách đây khoảng 50 năm trước.
Ở bất kỳ đâu, chúng ta có thể thấy sự bất bình đẳng và đói nghèo đe dọa sự gắn kết xã hội sâu sắc như thế nào, thay đổi khí hậu, an ninh thực phẩm, nghèo đói toàn cầu và di dân có liên kết với nhau chặt chẽ như thế nào, thay thế nhiên liệu và xung đột, công lý liên thế hệ bị đe dọa như thế nào khi chúng ta chứng kiến môi trường tự nhiên đang suy thoái ở mức đáng báo động – tất cả những điều này có thể được xem là thất bại của loài người.
Vai trò của Việt Nam khi là một trong 4 quốc gia duy nhất trên toàn cầu tham gia Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng được EU hỗ trợ cho thấy sự quyết tâm với việc đối mặt và dẫn đầu trong phản ứng toàn cầu về biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu biến đối khả năng của năng lượng có thể tái tạo ở Việt Nam. Thông qua việc phản hồi và thích nghi với các sáng kiến quốc tế như vậy, tôi tự tin rằng khi là một cộng đồng toàn cầu, chúng ta có thể giải quyết các thách thức mà chúng ta đang đối mặt.
Những người đại diện cho các quốc gia hiện cũng phải lên tiếng về những vấn đề toàn cầu. Chúng ta đang trải qua giai đoạn khi mà chủ nghĩa quân phiệt đã thay thế ngoại giao. Chúng ta được thông báo rằng chúng ta có thể đang ở giai đoạn đầu của một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới. Chắc chắn rồi, các số liệu thống kê đã xác nhận thông tin này: năm ngoái, chi phí quân sự toàn cầu đã tăng 6,8% thành 2,44 tỷ đô, mức cao nhất từng được ghi nhận.
Tôi kiến nghị rằng chúng ta không bao giờ được đánh mất tầm nhìn về những khả năng còn lại cho chúng ta trên hành trình mưu cầu các điều kiện về một nền hòa bình chung; cuộc sống của chúng ta được giải phóng như thế nào khi không có chiến tranh, nạn đói, nghèo khó và sự tham lam trong một thế giới tỏa ra đầy lý tưởng độc hại về chủ nghĩa đế quốc, phân biệt chủng tộc và "Ngoại tộc" và củng cố bản năng lương thiện của nhân loại; chúng ta có thể xây dựng một xã hội hòa nhập ngay tại quê hương mình như thế nào mà vẫn có thể hợp tác với các quốc gia khác để xây dựng thế giới hòa bình, bền vững và đầy hy vọng.
Nhân cơ hội này, tôi muốn ngợi ca vai trò quan trọng và tích cực của Việt Nam trong an ninh khu vực, bao gồm các phương pháp ngoại giao không liên kết và chính sách "Bốn Không" - không liên minh quân sự, không kết bè phái với một quốc gia để chống lại quốc gia khác, không có căn cứ quân sự ở nước ngoài hay sử dụng Việt Nam làm đòn bẩy để phản công các quốc gia khác và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Chiến lược không liên kết này và các mối quan hệ lành mạnh, cân bằng với các cường quốc lớn đã mang lại lợi ích lớn cho Việt Nam.
Tiến trình phát triển không phê phán của các hình thức kinh tế và xã hội của quyền lực luôn được trình bày trong danh từ "hiện đại hóa".
Chúng ta nên nhìn nhận sâu sắc về các cơ hội và rủi ro mà chúng ta đang đối mặt, những rủi ro chung giữa chúng ta. Không quốc gia nào nên bị ép buộc phải vội vàng tiến về phía mô hình phát triển được trình bày dưới lớp vỏ ảo tưởng của "hiện đại hóa" chưa được xác định rõ ràng, một mô hình chỉ củng cố cho một cách thức đã thất bại và độc hại, mà chưa suy nghĩ thấu đáo.
Các mô hình toàn cầu hiện tại về thương mại và tài chính, sản xuất, trích xuất tài nguyên, các mô hình đó có thực sự nâng cấp mục tiêu cơ bản của sự phát triển của nhân loại không?
Các mô hình như vậy có bảo vệ thứ bậc về mục đích mà lẽ ra phải tồn tại – phải được khôi phục – giữa các kết quả kinh tế và xã hội có mục đích đạo đức không? Để định lượng các thành tựu hoặc thất bại của chúng ta, trong chừng mực nào thì tỉ lệ phát triển kinh tế, như đang được định nghĩa và đo lường theo nghĩa hẹp, phản ánh khả năng của nền kinh tế trong việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản của hầu hết dân cư yếu đuối, cung cấp các dịch vụ cơ bản toàn cầu?
Đó là những câu hỏi mà chúng ta phải trả lời thông qua lăng kính của hoàn cảnh hiện tại, nhưng hiện nay cũng nằm trong các thông số mới của các thỏa thuận toàn cầu đã được ký kết vào năm 2015 về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu – Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc, mà đáng tiếc là chúng ta đã đi chệch hướng; thực tế là ở một số lĩnh vực, chúng ta thậm chí còn thụt lùi.
Chúng ta có cơ hội lịch sử, và trách nhiệm thực sự, để đặt nền tảng cho mô hình mới để nhân loại phát triển thịnh vượng và hòa hợp xã hội. Chúng ta phải đối mặt với sự hùng biện quân phiệt hiện đang có mặt ở khắp nơi, thậm chí là còn bá chủ nữa.
Quy mô của những thách thức toàn cầu mà chúng ta cùng nhau đối mặt không chỉ đòi hỏi sự phục hồi của những động lực thực sự lý tưởng đã thúc đẩy tổ tiên chúng ta tiến về phía trước trong những khoảnh khắc đẹp nhất và vị tha nhất của họ hướng đến một thế giới độc lập mới. Điều này cũng đòi hỏi các mô hình hợp tác mới ở cấp quốc gia và cấp quốc tế, ngoài ra còn có mối quan hệ học thuật mới, theo đó thiên nhiên có thể tạo ra mối quan hệ cân bằng và tôn trọng giữa các dân tộc trên thế giới, giữa con người với nhau và với các sinh vật sống khác trên hành tinh này.
Hôm nay, Ireland và Việt Nam đã nổi lên như những quốc gia trên hành trình phát triển thịnh vượng hơn, với vô vàn cơ hội trong tầm tay để có mối quan hệ đối tác quốc tế mới.
Tôi hy vọng vào mối quan hệ bền chặt này, và tôi cảm nhận được quý vị cũng thế, thưa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, cùng nhau, chúng ta sẽ xây dựng một nền văn minh hợp tác, quan tâm và không bóc lột, được hướng dẫn bằng truyền thống và thể chế tốt nhất của các quốc gia trên thế giới, ngoài ra còn bằng sự đa dạng trong ký ức và trải nghiệm phong phú của chúng ta – không chỉ bao gồm những ký ức chắc chắn sẽ gọi lại vết thương cũ, những thất bại và những cơ hội đã mất, mà còn là những tầm nhìn được tiếp thêm sinh lực và tương lai được hình dung và hiện thực hóa, thậm chí còn có thể dựa trên những lý tưởng không tưởng.
Có một thế hệ dân số Ireland trẻ đang sống tại Việt Nam, nhiều người đang làm việc trong phân khúc giáo dục – vừa tiếp thu vừa chia sẻ những kinh nghiệm quý báu. Tôi xin chân thành cảm ơn quý vị đã đón tiếp họ nồng hậu. Tôi biết rằng sự chào đón nồng hậu đó được mở rộng cho nhiều người Ireland đến thăm Việt Nam mỗi năm để trải nghiệm cảnh quan hùng tráng và di sản văn hóa phong phú của quý vị.
Tại Ireland, nơi đây cũng có cộng đồng người Việt, ước tính có khoảng 4.000 người. Đây là cộng đồng đang phát triển thịnh vượng, có đóng góp quan trọng và giá trị trong nhiều lĩnh vực của đời sống quốc gia – xã hội, kinh tế và văn hóa.
Hai nước chúng ta cùng trân trọng và gắn bó với văn hóa, cả truyền thống lẫn đương đại. Người dân của chúng ta có giá trị cao trong văn học, thi ca, âm nhạc và bài hát. Tôi xin chân thành cảm ơn các nhạc sĩ đã trình diễn cho chúng ta trong buổi tối hôm nay.
Kính thưa các vị khách quý, xin nhiệt liệt chúc mừng các giá trị mà chúng ta đã chia sẻ và sẽ chia sẻ trong mối quan hệ hữu nghị và càng thắt chặt mối quan hệ hơn nữa thông qua chuyến ghé thăm này. Tôi xin hân hạnh mời tất cả quý vị, những vị khách quý, đứng lên và cùng tôi khai mạc bữa tiệc này:
Chúc sức khỏe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, và chúc cho mối giao hảo bền chặt giữa người dân hai nước Ireland và Việt Nam.