Ngày 31/12/2008, sau 36 năm đàm phán, hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã cùng nhau ra Tuyên bố chung về việc hoàn thành phân giới cắm mốc trên đất liền, với chiều dài gần 1450km và cắm 1970 cột mốc, đi qua 7 tỉnh của Việt Nam, 15 huyện, thị của tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc. Ngày 18/11/2009, Việt Nam và Trung Quốc đã ký 3 văn kiện pháp lý về biên giới. Việc hai nước hoàn thành phân giới cắm mốc trên thực địa và ký kết 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền, là sự kiện trọng đại có ý nghĩa to lớn cả về chính trị pháp lý và ngoại giao.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VOV |
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 25 năm ký Hiệp ước và 15 năm ký 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc, diễn ra sáng nay (2/8), tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: “Việc hoàn thành phân giới cắm mốc ngày 31/12/2008 có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, mở ra một trang mới trong quan hệ hai nước, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử xây dựng đường biên giới Việt Nam và Trung Quốc, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân hai nước, góp phần tạo dựng và duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, đóng góp quan trọng trong việc khẳng định các nguyên tắc chung của luật quốc tế”.
Toàn cảnh Hội nghị kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước biên giới và 15 năm ký 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: VOV |
Từ sau khi hoàn thành phân giới cắm mốc tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc và bắt đầu triển khai quản lý biên giới theo 3 văn kiện pháp lý đến nay, biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc ổn định, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới được đảm bảo. Hai bên quan tâm triển khai, giao lưu hữu nghị, hợp tác phát triển khu vực biên giới, đẩy mạnh giao thương. Để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác quản lý biên giới hai nước trong tình hình mới, Trưởng ban đối ngoại Trung ương Đảng Lê Hoài Trung, cho rằng: “Cùng trao đổi tạo ra những định hướng lớn, tạo sự chuyển biến, đưa đường biên giới hòa bình ổn định Việt Nam-Trung Quốc trở thành đường biên giới hợp tác, phát triển vững chắc, có tính tới các xu thế lớn trong khu vực và trên thế giới hiện nay. Chúng ta sẽ tiếp tục phối hợp tích cực với phía Trung Quốc để nỗ lực lớn hơn nữa, góp phần xây dựng đường biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thực sự trở thành một đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đem lại sự phát triển kinh tế xã hội, cuộc sống thanh bình, yên ổn, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân hai nước, nhất là nhân dân các địa phương biên giới”.
Các tham luận tại Hội nghị đánh giá những thành tựu, bài học kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp cho công tác quản lý biên giới Việt – Trung hiệu quả hơn trong thời gian tới.