Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia, trưa 1/12 (theo giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam gặp bà Kate Doust, Chủ tịch Thượng viện và bà Lisa Baker, Phó Chủ tịch Hạ viện bang Tây Australia.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp Chủ tịch Thượng viện - Hạ viện bang Tây Australia. |
Chủ tịch Thượng viện và Phó Chủ tịch Hạ viện bang Tây Australia vui mừng nhận thấy mối quan hệ giữa Việt Nam và bang Tây Australia đang phát triển tốt đẹp; đánh giá cao Tổng lãnh sự Việt Nam tại thành phố Perth đã có nhiều hoạt động tích cực, góp phần xây dựng quan hệ Việt Nam và bang Tây Australia.
Nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và bang Tây Australia, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề xuất hai bên tiếp tục trao đổi đoàn, trong đó có các địa phương hai bên nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân. Chủ tịch Quốc hội khẳng định Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Australia nói chung và bang Tây Australia nói riêng sang đầu tư, kinh doanh hiệu quả, lâu dài và ổn định tại Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thống đốc bang Tây Australia Kerry Sanderson. - Ảnh: VOV |
Trước đó, sáng 1/12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp bà Kerry Sanderson, Thống đốc bang Tây Australia. Tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng có nhiều điểm tương đồng giữa bang Tây Australia và các địa phương của Việt Nam. Do đó, trong khuôn khổ chuyến thăm, các bộ, ngành, cũng như các địa phương tiêu biểu đại diện cho các vùng, miền của Việt Nam, cùng các doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực sẽ tổ chức tọa đàm với doanh nghiệp của hai bên để trao đổi chính sách đầu tư của Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực mà hai bên quan tâm và bang Tây Australia có thế mạnh như: khai khoáng, năng lượng tái tạo, khí hóa lỏng, giáo dục - đào tạo, du lịch, hợp tác cảng biển và nông nghiệp.
Thống đốc bang Tây Australia, bà Kerry Sanderson, khẳng định bang Tây Australia coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam; hoan nghênh lễ ký biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Toà án tối cao bang Tây Australia và Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam.
Tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thống đốc Kerry Sanderson cũng đã trao đổi về các lĩnh vực mà hai bên cần đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong thời gian tới.
Cũng trong sáng 1/12, tại thành phố Perth, thủ phủ bang Tây Australia, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gặp Chánh án Tòa án tối cao bang Tây Australia, ông Wayne Martin. Tại đây, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam và Tòa án tối cao bang Tây Australia ký Biên bản ghi nhớ hợp tác; nhấn mạnh đây sẽ là tiền đề vững chắc để mở ra các cơ hội thúc đẩy hợp tác giữa hai tòa án trong tương lai.
Chiều tối 1/12, tại thành phố Perth, thủ phủ bang Tây Australia, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp lãnh đạo tập đoàn Alcoa và lãnh đạo Công ty Austral tới chào nhân dịp Chủ tịch Quốc hội sang thăm bang Tây Australia trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận mong muốn của tập đoàn Alcoa về việc đầu tư tinh luyện khoáng sản tại Việt Nam, khẳng định sẽ chuyển đề nghị của Alcoa tới Chính phủ. Quốc hội Việt Nam cam kết ban hành các chính sách, pháp luật và luôn đồng hành cùng Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Australia nói riêng triển khai các hoạt động đầu tư, kinh doanh thành công, lâu dài và ổn định tại Việt Nam.
Chia sẻ với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về nhu cầu tìm kiếm cơ hội đầu tư xây dựng cơ sở đóng tàu mới tại nước ngoài, lãnh đạo Công ty Austral bày tỏ mong muốn được các cơ quan chức năng tạo điều kiện để công ty tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam, bởi công ty sẽ sớm ra quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia có biển, có nghề đóng tàu rất phát triển và có lực lượng công nhân đóng tàu lành nghề. Chủ tịch Quốc hội gợi ý nếu Austral lựa chọn đầu tư tại Việt Nam thì có thể xây dựng cơ sở đóng tàu mới, hoặc mua lại các cơ sở đóng tàu đang hoạt động khó khăn tại Việt Nam.