Sáng 26/11 (giờ địa phương), tại Phủ Tổng thống Lohn Manor ở thành phố Bern, Tổng thống Liên bang Thụy Sỹ Guy Parmelin chủ trì Lễ đón chính thức Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Cấp cao Việt Nam.
Sau lễ đón, hai nhà lãnh đạo có cuộc hội đàm, thảo luận các biện pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Thụy Sỹ phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế hai nước. Theo đó, hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường trao đổi và tiếp xúc các cấp và địa phương hai nước, qua đó thúc đẩy hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực.
Tổng thống Thụy Sỹ Guy Parmelin chào bắt tay chào mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Thụy Sỹ. ảnh: VOV |
Về hợp tác đầu tư, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Thụy Sỹ khuyến khích doanh nghiệp Thụy Sỹ đầu tư tại Việt Nam, khẳng định Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Thụy Sỹ, hoạt động lâu dài tại Việt Nam. Hai bên nhất trí nỗ lực sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA). Ngoài ra, hai bên thống nhất tăng cường hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo, hướng tới thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác về đổi mới sáng tạo.
Cảm ơn Chính phủ Thụy Sỹ đã hỗ trợ Việt Nam phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu hai nước hợp tác phát triển, sản xuất và phân phối vaccine và thuốc điều trị COVID-19. Chủ tịch nước cũng mong muốn Chính phủ Thụy Sỹ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Thụy Sỹ hội nhập tốt, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Thụy Sỹ, cũng như góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Về phần mình, Tổng thống Guy Parmelin đánh giá Việt Nam là một đối tác sử dụng vốn Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) hiệu quả và cho biết Chính phủ Thụy Sỹ quyết định tiếp tục ưu tiên cung cấp 70 triệu Franc Thụy Sỹ (hơn 75,6 triệu USD) vốn ODA cho Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2024, tập trung cho các lĩnh vực bảo vệ môi trường và cải cách kinh tế.
Về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm, hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, cơ chế hợp tác Á-Âu... Việt Nam nhất trí ủng hộ và sẵn sàng làm cầu nối để Thụy Sỹ tăng cường quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Về vấn đề Biển Đông, Thụy Sỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm tự do hàng hải, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp dựa trên đối thoại minh bạch và xây dựng lòng tin.