Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin

Vũ Khuyên
Chia sẻ
(VOV5) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh hai Bên cần khai thác tối đa các lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu.

Chiều nay (20/6), tại Trụ sở Chính phủ (Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội kiến với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, đang có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế thành trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Nga V.Putin nhất trí nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế hợp tác song phương, đặc biệt là Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật; sớm thống nhất, triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển hợp tác Việt Nam - Nga đến năm 2030, Danh mục các nhiệm vụ ưu tiên Việt Nam - Nga giai đoạn 2024-2025; tăng cường hợp tác tài chính - tín dụng phù hợp với luật pháp quốc tế và quy định pháp luật hai nước nhằm tạo thuận lợi cho thương mại đầu tư hai nước. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin - ảnh 1Hai nhà lãnh đạo bắt tay trước khi có cuộc hội kiến.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh hai Bên cần khai thác tối đa các lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu, đề nghị phía Nga tiếp tục tháo gỡ các rào cản thương mại nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại hai nước, nhất là xuất khẩu hàng tiêu dùng và nông thủy sản thế mạnh của Việt Nam vào thị trường Nga, nâng mức hạn ngạch cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, ủng hộ tạo điều kiện cho xuất khẩu nông sản của Nga tiếp cận thị trường Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin - ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin.

Về đầu tư, Tổng thống Putin ủng hộ đề nghị của phía Việt Nam sớm triển khai một số dự án quy mô lớn mang tính chất hải đăng của Nga về hạ tầng cơ sở, đường sắt, đường tàu nội đô, tàu điện ngầm, năng lượng tái tạo tại Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hai nước mở rộng, đẩy mạnh đầu tư và kinh doanh hiệu quả trên lãnh thổ của nhau. 

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác trong một số lĩnh vực, gồm: dầu khí - năng lượng, khoa học - công nghệ, thông tin - truyền thông, văn hóa, thể thao, du lịch, lao động, giao lưu nhân dân, giảng dạy, quảng bá tiếng Việt và tiếng Nga tại mỗi nước. Hai nhà Lãnh đạo cũng dành thời gian trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Feedback