Lễ đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị G20. - Ảnh: TTXVN |
Ngày 29/6/2019, tại Osaka, Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục tham dự các phiên họp, hoạt động quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh G20, gồm: Phiên thứ ba của Hội nghị thượng đỉnh G20 về phát triển bền vững; Phiên thứ 4 về Biến đổi khí hậu, Môi trường và Năng lượng và Sự kiện biên lề về tăng cường vai trò của phụ nữ. Thủ tướng đề nghị các nước thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển- đại dương và tiến tới Khuôn khổ toàn cầu về ngăn ngừa rác thải nhựa biển vì các đại dương xanh.
Phát biểu tại phiên họp về khí hậu – môi trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, bất ổn an ninh năng lượng đang thách thức sự tồn vong của nhân loại; đề nghị các nước có những đột phá, sáng tạo về huy động phân bổ hiệu quả nguồn lực và thực hiện đầy đủ các cam kết về khí hậu, môi trường. Thủ tướng khẳng định Việt Nam thực hiện nghiêm túc cam kết Thỏa thuận Paris về khí hậu; đề nghị các nước và cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ thiết thực cho các nước dễ tổn thương về biến đổi khí hậu, trong đó có khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng nhấn mạnh rác thải nhựa biển làm suy thoái nghiêm trọng hệ sinh thái biển, là vấn đề cấp bách toàn cầu; đề nghị các nước chung tay xây dựng các thể chế, quy định về biển và đại dương nhằm kiểm soát, giảm thiểu và ngăn ngừa rác thải nhựa biển. Thủ tướng khẳng định Việt Nam đã và đang huy động sự tham gia của cả xã hội vào phong trào chống rác thải nhựa, phấn đấu đến năm 2025 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Thủ tướng nêu sáng kiến về thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển- đại dương và tiến tới Khuôn khổ toàn cầu về ngăn ngừa rác thải nhựa biển vì các đại dương xanh.
Tại phiên thảo luận về phát triển bền vững, các Nhà lãnh đạo khẳng định tăng cường hợp tác thực hiện Nghị sự 2030 về phát triển bền vững; hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện đúng thời hạn các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), nhất là trong lĩnh vực giảm nghèo, hạ tầng chất lượng cao, giáo dục, môi trường, y tế, năng lượng... Giữa các nước G20 vẫn còn khác biệt trong vấn đề biến đổi khí hậu, hầu hết các nước thành viên G20 khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ Thỏa thuận Paris về khí hậu, trong khi Mỹ nhắc lại việc rút khỏi Thỏa thuận này.
Tại phiên thảo luận chuyên đề về phụ nữ, các Nhà lãnh đạo nhấn mạnh bình đẳng giới và trao quyền phụ nữ đóng vai trò quan trọng hướng tới tăng trưởng bền vững và bao trùm. Các nước G20 khẳng định phấn đấu thu hẹp khoảng cách về lao động, việc làm giữa phụ nữ và nam giới còn 25% đến năm 2025; cam kết tăng cường giáo dục, đào tạo cho học sinh nữ, nhất là các kỹ năng số để đáp ứng các yêu cầu của việc làm mới trong tương lai; tiếp tục triển khai sáng kiến cung cấp tài chính cho doanh nhân nữ (We-Fi) nhằm tăng cường hỗ trợ các doanh nhân nữ ở các nước đang phát triển.
Kết thúc 2 ngày thảo luận, Hội nghị G20 thông qua Tuyên bố của các Nhà lãnh đạo G20, trong đó khẳng định tiếp tục hợp tác, phối hợp trong các vấn đề kinh tế toàn cầu.