(VOV5) - Sáng nay (20/12), tại Bangkok, Thái Lan, diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 5 (GMS-5) với chủ đề "Đạt tới sự phát triển toàn diện và bền vững trong khu vực tiểu vùng". Thủ tướng các nước: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc; Tổng thống Myanmar và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á cùng tham dự sự kiện này.
Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo các nước thành viên Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) tập trung đánh giá những kết quả đạt được trong thực hiện các cơ chế hợp tác tiểu vùng; đồng thời thảo luận các ý kiến để hiện thực hóa tầm nhìn của GMS trong tương lai. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Tiểu vùng Mekong phát triển thịnh vượng, gắn kết và hài hoà sẽ chỉ đạt được nếu Chiến lược "kết nối- cạnh tranh-cộng đồng" được đặt trong mục tiêu tổng thể “phát triển bền vững và toàn diện” của Tiểu vùng Mekong. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng GMS cần bảo đảm sự cân bằng giữa ba yếu tố kinh tế - con người - môi trường trong hợp tác; tăng cường đối thoại thực chất giữa các thành viên nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác trong thời gian tới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: "Trong thời gian tới, GMS cần: Thứ nhất, thúc đẩy các chương trình, dự án về môi trường và phát triển con người để tương xứng với hoạt động trong các lĩnh vực phát triển kinh tế. Thứ hai, chú trọng hỗ trợ các nước thành viên chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh. Thứ ba, khôi phục hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước trong quản lý nước đô thị, nước nông thôn và nước sạch. Cùng với Uỷ hội sông Mekong (MRC), hợp tác GMS - cơ chế duy nhất hiện nay có sự tham gia của tất cả các nước ven sông Mekong- có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nước thành viên nâng cao năng lực và phối hợp chặt chẽ trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong."
Trong khuôn khổ GMS-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và phát biểu tại phiên họp hẹp với quan điểm rõ ràng, cho rằng phát triển bền vững và toàn diện là yêu cầu cấp thiết để bảo tồn các thành quả phát triển; đồng thời đưa ra nhiều ý kiến thiết thực trong phương hướng hợp tác hài hòa với thiên nhiên, hài hòa với con người và hài hòa giữa các quốc gia trong khu vực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề xuất nhiều ý kiến nhằm thúc đẩy sự gắn kết và phối hợp giữa GMS với các sáng kiến khu vực khác, nhất là tiến trình thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 cũng như quan điểm và phương thức huy động các nguồn lực để hiện thực hóa Khung đầu tư khu vực GMS đến năm 2022.
Hội nghị thông qua Tuyên bố chung và công bố các tài liệu liên quan; nhất trí tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần 6 tại Việt Nam vào năm 2017.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thái Lan (Ảnh: Chính phủ) |
Nhân dịp tham dự GMS-5, cũng trong sáng nay (20/12), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. Hai Thủ tướng nhất trí phối hợp chỉ đạo thực hiện hiệu quả các thỏa thuận đã đạt được trong chuyến thăm chính thức Việt Nam mới đây của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha; đồng thời khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, trong đó có hợp tác về gạo và cao su; tăng cường kết nối giao thông cả đường thủy và đường bộ, trong đó có việc mở các tuyến xe buýt vận tải hành khách nối Việt Nam với Thái Lan để tạo điều kiện đẩy mạnh giao lưu văn hóa và du lịch. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha thông báo phía Thái Lan đang triển khai đăng ký cho lao động Việt Nam làm việc tại Thái Lan và đồng ý xem xét việc thúc đẩy ký Thỏa thuận hợp tác về lao động giữa hai nước. Hai Thủ tướng cũng nhất trí tăng cường hợp tác tuyên truyền giáo dục ngư dân và xử lý các vụ việc tàu bè, ngư dân vi phạm trên tinh thần tuân thủ luật pháp quốc tế, trên cơ sở quan hệ hữu nghị đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước cũng như trên tinh thần nhân đạo.
Chiều cùng ngày, trước khi lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự lễ khai trương chính thức Liên doanh Vietjet – Thái Lan, tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Thái Lan – Việt Nam, tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Thái Lan, thăm cán bộ Đại Sứ quán Việt Nam tại Thái Lan.
Trước đó, hôm qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan và Ủy ban Đầu tư Thái Lan phối hợp tổ chức hội thảo "Tăng cường sự kết nối Tiểu khu vực Mekong mở rộng (GMS) vì Cộng đồng ASEAN", tại Bangkok. Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối đối với sự phát triển của khu vực; nêu bật những nỗ lực đóng góp và cam kết của Chính phủ hai nước trong việc thúc đẩy các dự án kết nối Tiểu khu vực Mekong mở rộng và khu vực ASEAN trên nhiều lĩnh vực. Cũng tại hội thảo, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh có bài tham luận nhan đề: "Kết nối khu vực ASEAN - những cơ hội và thách thức", trong đó khẳng định: Sự kết nối trong Tiểu khu vực Mê-công mở rộng và khu vực ASEAN là "chìa khóa" đảm bảo cho sự phát triển lâu dài và bền vững của khu vực về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch; đặc biệt đảm bảo thành công cho việc xây dựng Cộng đồng ASEAN./.