Thủ tướng: Coi xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân là vấn đề quan trọng

Chia sẻ
(VOV5) - Thủ tướng: Coi xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân là vấn đề trong trọng mà các cấp, các ngành cần phải quan tâm giải quyết.

Sáng nay (25/7), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải tạo điều kiện đất đai xây dựng nhà ở cho công nhân, coi xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân là vấn đề trong trọng mà các cấp, các ngành cần phải quan tâm giải quyết.

Sau khi Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam báo cáo về việc thực hiện công tác phối hợp với Chính phủ, các bộ, ngành đã cho ý kiến về các vấn đề mà Tổng liên đoàn nêu ra. Trong đó có vấn đề đẩy mạnh xây dựng nhà ở và các thiết chế xây dựng khác cho công nhân; việc xây dựng thiết chế chế văn hóa; vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội; vấn đề hỗ trợ vốn cho công nhân lao động và lao động nghèo tự tạo việc làm, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bữa ăn công nhân; vấn đề ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 khiến doanh nghiệp tiết giảm hàng trăm lao động…

Thủ tướng: Coi xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân là vấn đề quan trọng - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong bối cảnh quốc tế, khu vực diễn biến phức tạp thì tình hình kinh tế-xã hội trong nước vẫn chuyển biến tốt, góp phần giúp tỷ lệ thất nghiệp giảm, hết quý 2/2018 chỉ còn 2,0%.

Đánh giá về công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thủ tướng đánh giá cao hoạt động của Tổng liên đoàn và công đoàn các cấp, góp phần giúp tinh thần của đoàn viên, người lao động phấn khởi, đồng tình, ủng hộ sự đổi mới, quyết liệt của Đảng, Chính phủ trong lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế, phòng chống tham nhũng. 

Tổng liên đoàn cũng đã thực hiện tốt công tác phối hợp với Chính phủ, trong đó có việc tích cực tham gia xây dựng thể chế; phản biện xã hội các chính sách;  kịp thời phản ánh, kiến nghị nhiều vấn đề lớn liên quan đến công nhân lao động. Tích cực tuyên truyền, vận động công nhân lao động học tập nâng cao trình độ, chuyên môn, nhất là công nhân lao động vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện, cơ hội cho hơn 2,4 triệu đoàn viên công đoàn, lao động được tham gia học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp.

Bên cạnh nhiều kết quả tích cực, Thủ tướng cho rằng, một bộ phận người lao động thu nhập còn thấp, còn tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, các thiết chế công đoàn cũng mới bước đầu thực hiện dẫn đến khó khăn về nhà ở, nhà trẻ, trường học… cho công nhân. Tình trạng tai nạn lao động vẫn gây thiệt hại lớn về con người và tài sản với gần 9.000 vụ và làm 928 người chết. Dù các khu công nghiệp phát triển nhưng hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu của công nhân lao động tại khu vực đó cũng là vấn đề đặt ra cần phải quan tâm.

Thời gian tới, Thủ tướng mong muốn công tác phối hợp giữa hai cơ quan đi vào nề nếp, thực chất hơn nữa, đạt kết quả tích cực hơn, góp phần vào thành tựu chung của đất nước. Thủ tướng cũng mong muốn công tác phối hợp tốt, tạo điều kiện để Đại hội Công đoàn các cấp thành công tốt đẹp, kể cả về nội dung, hình thức và nhân sự.

Cùng với đó, cần tích cực trang bị cho giai cấp công nhân các yếu tố cần thiết trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 và yêu cầu các bộ, ngành cùng tham gia. 

"Tôi mong muốn trong thời gian tới phối hợp nhanh hơn nữa cùng với Công đoàn Việt Nam tổ chức tốt hơn các thiết chế công đoàn, trước hết là nhà ở cho công nhân. Nhà trẻ cho con em công nhân nếu được bao phủ hết thì rất là hay. Làm sao giá điện cho công nhân được hưởng giá tối thiểu. Giáo dục hỗ trợ cho giai cấp công nhân trong nhận thức và hành động trước một số diễn biến phức tạp"-Thủ tướng nêu ý kiến.

Thủ tướng cũng đề nghị nâng cao hiệu quả tiếp nhận giải quyết các vấn đề bức xúc của người lao động; thúc đẩy phát triển thị trường lao động, nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động, tạo việc làm; tăng năng suất và thu nhập người lao động; chăm lo đời sống vật chất cho đoàn viên lao động. Thủ tướng nhấn mạnh, tổ chức công đoàn các cấp phải là nơi đoàn viên lao động đặt niềm tin.

Thủ tướng cũng yêu cầu Tổng Liên đoàn và các bộ, ngành thực hiện tốt các chỉ đạo của Thủ tướng tại các cuộc đối thoại của Thủ tướng với công nhân lao động, gần đây nhất là tại Hà Nam.

Thủ tướng: Coi xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân là vấn đề quan trọng - ảnh 2

Cho ý kiến về một số đề xuất, kiến nghị của Tổng liên đoàn, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ ngành có biện pháp bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động khi doanh nghiệp phá sản, nâng cao năng lực thẩm định của các cơ quan quản lý nhà nước để tránh tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Thủ tướng cũng có ý kiến về việc công nhân được khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngoài giờ, giao Bộ Y tế nghiên cứu báo cáo Thủ tướng…

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố kiểm tra kiểm soát việc thực hiện giá bán điện cho công nhân lao động theo đúng Thông tư 16 của Bộ Công thương. Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và thường xuyên kiểm tra kiểm soát hoạt động này.

Về nguồn vốn ngân sách để xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các thiết chế công đoàn đã được Thủ tướng phê duyệt, Thủ tướng cho biết đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ một khoản kinh phí dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020, để bố trí xây dựng nhà ở cho công nhân. 

"Các địa phương phải tạo điều kiện đất đai xây dựng nhà ở cho công nhân, coi xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân là vấn đề quan trọng mà các cấp, các ngành cần phải quan tâm giải quyết. Cả nước mới có 172 dự án với 127.000 căn hộ là chưa đủ mà phải tiếp tục bổ sung thêm nhiều dự án hơn nữa trên cơ sở hỗ trợ của Nhà nước và các cấp chính quyền, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam"-Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng nêu rõ, phải coi việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân là quyết tâm chính trị, đồng thời kêu gọi xã hội hóa mạnh mẽ, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm đến nhà ở xã hội cho công nhân lao động.  

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng tại buổi làm việc, hiện cả nước có 172 dự án nhà ở công nhân, số lượng là 127.000 căn hộ, đã hoàn thành được 100 dự án, với 41.000 căn hộ, đã bố trí chỗ ở cho khoảng 33.000 công nhân. Con số này còn thấp khi khoảng 1,2 triệu công nhân đang cần nhà ở và đến 2020 khoảng 3 triệu công nhân cần nhà ở.

Thời gian qua Chính phủ đã quan tâm không chỉ nhà ở mà các thiết chế xây dựng khác cho công nhân, trong đó có ban hành tại Quyết định số 655 ngày 12/5/2017, phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”.

Bộ Xây dựng đang chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất và phê duyệt thiết kế mẫu, thiết kế điển hình về nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao của thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, đặc điểm phong tục tập quán và nhu cầu của đoàn viên, công nhân lao động.

Feedback