Thu gọn số chương trình mục tiêu quốc gia là cần thiết

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) -  Các đại biểu Quốc hội lưu ý sắp xếp lại hợp lý các dự án thành phần chương trình mục tiêu quốc gia, tránh đầu tư dàn trải, phân tán.
(VOV5) -  Các đại biểu Quốc hội lưu ý sắp xếp lại hợp lý các dự án thành phần chương trình mục tiêu quốc gia, tránh đầu tư dàn trải, phân tán.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, chiều 4/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Thu gọn số chương trình mục tiêu quốc gia là cần thiết - ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn ĐBQH TP HCM) bày tỏ những bất cập trong lãng phí ngân sách.


Các đại biểu Quốc hội khẳng định 5 năm qua việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã đem lại hiệu quả thiết thực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Các đại biểu Quốc hội đồng tình cao với việc nên thu gọn, giảm bớt số chương trình mục tiêu quốc gia. Ông Đỗ Mạnh Hùng, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, cho rằng:  “Nếu để 16 chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay thì quả là cồng kềnh, dàn trải. Vì thế thu gọn số chương trình mục tiêu quốc gia là cần thiết. Thu gọn đến mức nào thì có một số ý kiến khác nhau. Chính phủ hiện nay đề xuất còn 2 chương trình mục tiêu quốc gia là chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững. Cũng có ý kiến đề nghị có một chương trình nữa về bảo vệ sức khỏe y tế cho người dân. Tôi thấy đây cũng là ý kiến cần phải lưu ý”.

Để chương trình mục tiêu quốc gia đạt hiệu quả cao hơn nữa, các đại biểu Quốc hội lưu ý sắp xếp lại hợp lý các dự án thành phần chương trình mục tiêu quốc gia, tránh đầu tư dàn trải, phân tán. Ông Hoàng Việt Phương, đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, góp ý: “Đánh giá lại tiêu chí hiện hành, phân kỳ đầu tư, ưu tiên tập trung đầu tư đối với một số nội dung cấp thiết trong giai đoạn 2016 - 2020 liên quan đến hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất như các tiêu chí về điện, đường, trường, trạm và thủy lợi.  Đồng thời phân cấp và giao quyền chủ động tối đa cho địa phương trong việc phân bổ, bố trí vốn cho từng hạng mục, từng dự án thành phần”.

Cũng trong chiều 4/11, các đại biểu Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật báo chí (sửa đổi).

Feedback