Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực xây dựng thành phố thông minh không rào cản cho người khuyết tật

Chia sẻ
(VOV5) - Viện MSD - United Way Vietnam điều phối thực hiện dự án Giải pháp tương lai Shinhan - Shinhan Square Bridge tại thành phố Hồ Chí Minh và 6 tỉnh, thành khác trong cả nước.

“Thành phố thông minh không rào cản cho người khuyết tật - Vì một tương lai không ai bị bỏ lại phía sau” là chủ đề của hội thảo Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) - United Way Việt Nam phối hợp Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức ngày 29/03, tại thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực xây dựng thành phố thông minh không rào cản cho người khuyết tật - ảnh 1

Người khiếm thị trải nghiệm ứng dụng hỗ trợ tại hội thảo. Ảnh: Báo Nhân dân

Từ năm 2021, Viện MSD - United Way Vietnam điều phối thực hiện dự án Giải pháp tương lai Shinhan - Shinhan Square Bridge tại thành phố Hồ Chí Minh và 6 tỉnh, thành khác trong cả nước. Giải pháp hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị và tác động xã hội thông qua ứng dụng công nghệ, các giải pháp đổi mới sáng tạo. Tại thành phố Hồ Chí Minh, dự án tập trung vào việc xây dựng mô hình Thành phố thông minh không rào cản cho người khuyết tật, tạo điều kiện để người khuyết tật có thể tham gia tối đa vào các hoạt động kinh tế-xã hội.

Hiện thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất ở Việt Nam, có mật độ dân cư đông đúc và là đầu tàu của nền kinh tế cả nước. Để tận dụng thời cơ cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển thành phố nhanh, bền vững, thành phố đã phê duyệt Đề án triển khai đề án xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh đến năm 2025; ban hành Chương trình Chuyển đổi số đến năm 2025.

Thời gian tới, để triển khai đề án hiệu quả, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng tâm, như: Mở rộng và bổ sung các giải pháp công nghệ hướng tới phục vụ các nhóm yếu thế, đặc biệt là người khuyết tật, tạo điều kiện để người khuyết tật có thể tham gia tối đa vào tất cả các khía cạnh trong hoạt động kinh tế-xã hội; Thực hiện chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh cho người dân còn khó khăn; Phát triển cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác chăm lo những người còn khó khăn; Nghiên cứu các trợ lý ảo hỗ trợ cho các đối tượng khuyết tật. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các nền tảng số, ứng dụng số để hỗ trợ người khuyết tật tham gia vào xã hội số, tham gia các hoạt động kinh tế số.

Feedback