Ngày 30/5, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực (năm 2019). Đây là hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội đối với công tác quy hoạch thời gian qua.
Phát biểu tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu khẳng định việc ra đời của Luật quy hoạch năm 2017 đã đặt ra nền tảng pháp lý quan trọng cho sự phát triển quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Luật đã quy định rất cụ thể các nội dung mang tính chiến lược phát triển kinh tế tỉnh, vùng, quốc gia, đặc biệt là việc tích hợp phát triển mang tính đa ngành, liên ngành.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Hải Anh phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Kiên/ TTXVN |
Đến nay công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành. Đại biểu Nguyễn Hải Anh, đoàn Đồng Tháp, đánh giá: “Kể từ khi được ban hành, Luật quy hoạch đã định hình rõ nét cách tiếp cận và nội dung quy hoạch trên cơ sở tái cơ cấu không gian phát triển nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tạo động lực và xung lực phát triển mới cho quốc gia và địa phương. Trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật quy hoạch có 110 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ, trong đó 41/42 quy hoạch cấp quốc gia, 6/6 quy hoạch vùng, 63/63 quy hoạch tỉnh. Đặc biệt, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và quy hoạch tỉnh Bắc Giang đã được phê duyệt. Hiện nay công tác chuẩn bị hồ sơ Quy hoạch tổng thế quốc gia đang được Chính phủ chuẩn bị để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4; Quy hoạch không ian biển quốc gia dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2022.”
Để công tác quy hoạch phát huy hết hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu đề nghị việc quy hoạch phải đảm bảo hài hoà giữa yêu cầu phát triển và lợi ích chính đáng của ngưởi dân, cân đối các nguồn lực để hoàn thành sớm các quy hoạch quan trọng.
Phiên họp sáng ngày 30/5 của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Đại biểu Trần Anh Tuấn, đoàn TP HCM cho rằng: “Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch trong thời gian tới, chúng ta cần lưu ý việc cân đối nguồn lực trong triển khai các dự án đầu tư; cần có quy định phân cấp cho địa phương được quyền quyết định bổ sung nguồn lực và danh mục dự án đầu tư mới mang tính cấp bách đó trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn mà không làm gia tăng bội chi ngân sách của địa phương. Đặc biệt, cần thống nhất thời kỳ quy hoạch giữa các quy hoạch cùng cấp. Sự thống nhất về thời gian và tầm nhìn quy hoạch cùng cấp thì việc tiến hành triển khai quy hoạch, điều chỉnh các quy hoạch sau này sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn.”
Bên cạnh đó, các đại biểu đề xuất nội dung quy hoạch tỉnh cần tập trung định hướng tích hợp phát triển kinh tế xã hội, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các lĩnh vực kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; tăng cường phối hợp và chia sẻ thông tin liên ngành, liên kết giữa các Bộ, ngành và địa phương trong công tác quy hoạch.