Ảnh minh họa - Nguồn: Tạp chí tài chính
|
Sáng 28/3, tại Hà Nội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo Khung tham chiếu trình độ ASEAN và Thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong ASEAN.
Sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2015 đã mang lại hội nhập khu vực một cách toàn diện về lao động, việc làm giữa các nước thành viên trong khối. Theo đó, người lao động của các nước trong khu vực ASEAN có thể tự do làm việc, lựa chọn và quyết định về cơ hội việc làm của bản thân ở bất cứ quốc gia nào mà mình mong muốn. Hiện nay, các nước thành viên ASEAN đang áp dụng Thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong phạm vi của 8 lĩnh vực ngành nghề gồm: Y khoa, nha khoa, điều dưỡng, kỹ sư, kiến trúc sư, kế toán, khảo sát và du lịch.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: "Số việc làm trong 8 lĩnh vực ngành nghề vừa nêu chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số việc làm mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN mang lại và mới chỉ tác động ngắn hạn trong một chừng mực nhất định. Để hỗ trợ các Thỏa thuận công nhận lẫn nhau, ASEAN đã xây dựng Khung Tham chiếu trình độ ASEAN để các trình độ có thể so sánh giữa các nước thành viên khi cung cấp một chuẩn gắn kết đã được các Bộ trưởng ASEAN về Kinh tế, Giáo dục và Lao động phê chuẩn hoàn tất vào tháng 5/2015. Trong tiến trình chung của khu vực, hiện Khung trình độ quốc gia của Việt Nam gồm 8 bậc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016".
Để thực hiện mục tiêu tạo nhiều cơ hội việc làm tốt hơn cho người lao động, góp phần tạo thuận lợi cho người lao động có kỹ năng của Việt Nam sang làm việc tại các thị trường trong khu vực, các đại biểu cho rằng Việt Nam cần có một cơ quan đầu mối Quốc gia có thầm quyền để theo dõi tiến trình đàm phán các Thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong ASEAN; thúc đẩy và khuyến khích sự lưu động của giáo dục và người học; cung cấp các thông tin về các Thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong ASEAN một cách đầy đủ và chính thống đến người lao động.