Chiều nay 12/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Luật Giáo dục đại học (GDĐH) được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3, thông qua năm 2012 là đạo luật đầu tiên điều chỉnh về GDĐH. Qua 5 năm thực hiện, Luật GDĐH năm 2012 đã thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của GDĐH Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung và GDĐH nói riêng. Thảo luận tại hội truờng, các đại biểu cho rằng Luật GDĐH cần sửa đổi để bắt kịp và thích ứng với những thay đổi của khoa học công nghệ, đời sống văn hóa, chính trị, kinh tế - xã hội trên toàn thế giới.
Đại biểu Quốc hội Triệu Thế Hùng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tại phiên thảo luận chiều 12/6 |
Đại biểu Triệu Thế Hùng, Đòan Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, cho rằng: Việc đổi mới GDĐH sẽ giúp đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế: “Cùng với sự vận động của thực tiễn, giáo dục đại học đã khiến những quy định trong Luật đại học đã không còn phù hợp, nên tôi tán thành việc sửa đổi Luật Đại học. Tôi đề nghị cần thiết việc tự chủ đại học, đây là trọng điểm, trọng tâm then chốt cần phải giải quyết triệt để, khả thi tại lần sửa đổi lần này. Dự thảo cũng đã thể hiện đuợc quy định giải trình của nhà truờng, thể hiện vai trò của Hội đồng truờng như một thiết chế nhằm thực hiện quyền tự chủ, thực hiện quyền tự chủ và cơ quan quyền lực cao nhất của Trường học. Dự thảo cũng đẩy mạnh hơn vịêc tự chủ về nhân sự và tài chính.”
Các đại biểu cùng đề nghị Dự thảo luật cần chú ý làm rõ các cơ sở giáo dục tư thục và tạo hành lang pháp lý, khắc phục các hạn chế, làm sâu sắc và cụ thể hơn nữa để tránh trùng lắp và phù hợp với các luật khác.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội |
Bà Nguyễn Thị Lan, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, cho rằng: “Tôi muốn nhấn mạnh thêm một số ý như sau: Thứ nhất là quy hoạch mạng lưới các truờng đại học sao cho hiệu quả, tiết kiệm nhất để các truờng phát huy cao nhất lợi thế so sánh. Tránh việc mở ra qua nhiều các truờng đại học trong một khu vực hoặc cùng đào tạo một ngành nghề dân đến dư thừa lao động, gây lãng phí nguồn lực cho xã hội. Trong luật cũng cần quy định rõ các điều kiện tối thiểu để một truờng đại học có thể thành lập mới ở một địa phương, vùng địa lý cụ thể…
Trước khi Chính phủ quyết định thành lập một truờng đại học cần xem xét kỹ các điều kiện, vị trí địa lý, tính đặc thù, ngành nghề đào tạo, sự khác biệt về ngành nghề đào tạo, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và chiến lược phát triển kinh tế xã hội… để đảm bảo các truờng mới thành lập phát triển tốt.”
Ngày mai 13/6, Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.