Năm 2019 là năm thứ ba trong thời kỳ ổn định ngân sách, định mức phân bổ chi ngân sách địa phương được xây dựng theo nghị quyết của Quốc hội và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, định mức phân bổ chi thường xuyên cho các địa phương ưu tiên cho các địa phương vùng núi cao và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; ưu tiên đầu tư cầu, đường giao thông, kênh, cảng; các tỉnh có diện tích trồng lúa lớn và công tác xóa đói giảm nghèo. Trong các phương án phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách, Chính phủ chú trọng ưu tiên bố trí vốn đối với các dự án, công trình trọng điểm để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án phân bổ NSTW năm 2019 và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ NSTW năm 2019.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, cho biết: Năm 2019, Chính phủ tăng cường vốn đầu tư phát triển cho xử lý ô nhiễm môi trường, đặc biệt là chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu.: "Bố trí tăng chi ngân sách Nhà nước cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu là yêu cầu cần thiết, cấp bách để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, các vấn đề nóng, bức xúc về môi trường hiện nay ở Việt Nam. Về vấn đề này, trong dự toán năm 2019, Chính phủ trình phương án nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu tăng thêm 16.000 tỷ đồng. Ngoài ra, trong phương án sử dụng vốn dự phòng chung thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Quốc hội đã quyết định về nguyên tắc, thứ tự ưu tiên, trong đó dành nguồn lực hợp lý để bố trí cho các dự án khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu trong phạm vi cả nước."
Theo Nghị quyết của Quốc hội, việc thu, chi ngân sách nhà nước cho các chương trình, tập trung dự án có hiệu quả để tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia
Trước đó, cùng ngày, Quốc hội thảo luận về báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018.
Từ đầu năm đến nay, Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp gần 412 nghìn lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tiêp nhận trên 322.000 đơn thư các loại. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn đề cao trách nhiệm, sâu sát, quyết liệt, chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương coi công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, coi đó là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội.
Tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ: "Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên quan tâm, chỉ đạo việc theo dõi, đánh giá, rà soát, bổ sung, sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này, ngày càng được hoàn thiện, trong đó đã xây dựng Luật tố cáo (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5; xây dựng Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật khiếu nại, Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật tố cáo; tổng kết 3 năm thi hành Luật tiếp công dân. Một số bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sưng hoàn thiện hệ thống văn bản về công tác này."
Trong Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2018, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời kiến nghị Chính phủ khẩn trương ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Tố cáo năm 2018; thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về tiếp công dân.