Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế xã hội: Lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế

Chia sẻ
(VOV5) - Thảo luận về tình hình kinh tế đất nước, nhiều đại biểu đánh giá cao các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát của Chính phủ thời gian qua.
(VOV5) - Thảo luận về tình hình kinh tế đất nước, nhiều đại biểu đánh giá cao các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát của Chính phủ thời gian qua.

Tiếp tục kỳ họp thứ 8, sáng nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế xã hội năm nay và nhiệm vụ năm 2015, kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.

Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế xã hội: Lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế  - ảnh 1
Các đoàn đại biểu Quốc hội họp tại tổ sáng 21/10 (Ảnh: VGP/Lê Sơn)

Thảo luận về tình hình kinh tế đất nước, nhiều đại biểu đánh giá cao các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát của Chính phủ thời gian qua. Nếu như năm 2011, lạm phát ở mức 18,13% thì đến nay giảm chỉ còn khoảng 5%, nhờ đó lãi suất ngân hàng giảm; đặc biệt trong khi lãi suất huy động giảm sâu thì huy động vốn vào trong hệ thống ngân hàng vẫn tăng, đó là thành công lớn. Bên cạnh đó cán cân thương mại từ nhập siêu đã chuyển sang cân bằng và xuất siêu, cán cân vãng lai được cải thiện rõ rệt đã làm tăng uy tín về tài chính của Việt Nam trên thị trường quốc tế và cải thiện thị trường ngoại hối.

Ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: Chính phủ cần tập trung thúc đẩy kinh tế trong nước với thị trường tiềm năng hơn 90 triệu dân; trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.  Nhất trí cao với mục tiêu tăng trưởng GDP hơn 6% và kiểm soát lạm phát 5%  trong năm 2015, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng:
 "Theo dự kiến của Chính phủ đề ra là mục tiêu GDP 6,2% thì tôi rất đồng tình. Tuy nhiên chỉ tiêu này vẫn có thể cải thiện hơn nữa, có thể nâng lên 6,5% vì đất nước còn nhiều tiềm năng. Chúng tôi chưa đồng tình với tổng vốn đầu tư xã hội mà Chính phủ xây dựng chỉ chiếm 30% GDP, không khả thi vì chỉ số hiệu quả vốn đầu tư ( ICOR) của Việt Nam thời điểm cao nhất của 10 năm qua là 5,5%, chưa bao giờ xuống dưới 5%. Nếu chúng ta xây dựng tốc độ tăng trưởng 6,2%/năm mà tổng vốn đầu tư xã hội chỉ chiếm 30% GDP thì rất khó thực hiện. Do đó phải có chính sách tăng tổng vốn đầu tư xã hội".

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế xã hội năm nay và nhiệm vụ năm 2015; Kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015./.

Feedback