Chiều 11/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lực lượng dự bị động viên và thảo luận về dự án Luật này.
|
Dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 05 chương, 43 điều, quy định về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách, kinh phí bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên. Dự thảo Luật đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Các đại biểu cho rằng sau hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, là cơ sở góp phần thiết thực xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng dự bị động viên nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên với sự ra đời nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới theo Hiến pháp năm 2013, cùng với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, việc xây dựng Luật là rất cần thiết trong điều kiện hiện nay. Ông Nguyễn Tạo, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, nếu ý kiến: Về nguyên tắc huy động, xây dựng lực lượng dự bị động viên tại điều 3, để đồng bộ với các văn bản quy phạm liên quan đến an ninh quốc phòng, tôi đề nghị bổ sung khoản 1, điều 3, của dự luật như sau: Xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ và sự chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đóng góp ý kiến về các nội dung của dự thảo Luật như nguyên tắc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên; độ tuổi sắp xếp quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình; nghĩa vụ của quân nhân dự bị đã xếp trong đơn vị dự bị động viên.