Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi và dự án Luật An ninh mạng

Chia sẻ
(VOV5) -Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục được cải thiện và từng bước hiện đại. 

Sáng 29/5, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật An ninh mạng.

Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Qua 12 năm thi hành, Luật Giáo dục đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển giáo dục và đào tạo Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục quốc dân. Hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên đã được hình thành từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. 

Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi vào năm 2017; chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học giữ vững và nâng cao; kết quả xóa mù chữ cho người lớn được củng cố và tăng cường. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục được cải thiện và từng bước hiện đại. 

Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi và dự án Luật An ninh mạng - ảnh 1Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày Tờ trình. -Ảnh Cổng thông tin điện tử QH

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Qua 12 năm thực thi, Luật Giáo dục đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, trở thành những điểm nghẽn, là nút thắt trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn để phát triển và hội nhập. Luật Giáo dục được ban hành từ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), do đó cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam. Để bảo đảm tính khả thi, vừa có tính kế thừa, theo nguyên tắc Luật Giáo dục là Luật khung, là cơ sở để xây dựng các luật chuyên ngành thì việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là cần thiết.

Cũng trong sáng nay, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật An ninh mạng. Dự thảo Luật được xây dựng gồm 8 chương, 55 điều với các quy định cụ thể liên quan đến phạm vi điều chỉnh: Luật quy định về nguyên tắc, biện pháp, nội dung, hoạt động, điều kiện bảo đảm triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng và có liên quan tới hoạt động bảo vệ an ninh mạng của nước CHXHCN Việt Nam. Dự luật được xây dựng nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về an ninh mạng theo hướng áp dụng các quy định pháp luật một cách đồng bộ, khả thi trong thực tiễn thi hành.

Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam và Luật Đặc xá (sửa đổi).

Feedback