(VOV5) - Ngày 8/6, tại Hà Nội, các đại biểu dự kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2014, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2015. Phiên làm việc được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tường thuật trực tiếp để cử tri cả nước cùng theo dõi.
Ông Nguyễn Văn Hiến, cử tri thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: “Tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, tình hình tăng trưởng kinh tế khả quan. Muốn đạt mức tăng trưởng kinh tế cuối năm tốt thì chúng ta phải xử lý và kiểm soát tốt nợ xấu. Chúng ta phải ổn định tỷ giá ngoại tệ để hỗ trợ cho xuất khẩu, xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm có tăng trưởng nhưng chưa đạt yêu cầu”.
Cử tri tỉnh Gia Lai đánh giá cao công tác điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, giúp nền kinh tế đất nước vượt qua khó khăn chung, đạt mức tăng trưởng kinh tế 5,98%; kim ngạch xuất khẩu tăng, xuất siêu đạt 2,1 tỷ USD. Tuy nhiên, theo cử tri Gia Lai, nền kinh tế đất nước vẫn còn nhiều yếu tố chưa bền vững, đầu ra cho các mặt hàng nông sản còn nhiều bất cập. Cử tri tỉnh Gia Lai cũng đồng tình với nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội là cần có giải pháp để tìm đầu ra cho nông sản.
Các ý kiến phát biểu đều ghi nhận và đánh giá cao đà phục hồi của nền kinh tế trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015. Để hoàn thành nhiệm vụ chỉ tiêu kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2015, các đại biểu đề xuất các giải pháp tập trung tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, trước mắt thực hiện quyết liệt tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu đầu tư công.
Để hoàn thành nhiệm vụ chỉ tiêu kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2015, các đại biểu đề xuất các giải pháp tập trung tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, trước mắt thực hiện quyết liệt tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu đầu tư công. Ông Nguyễn Cao Sơn, đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, góp ý: “Chính phủ cần đồng bộ thực hiện quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp, Nhà nước rà soát, bổ sung doanh nghiệp cần cổ phần hóa… Đề nghị Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục cho phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 – 2020 nhằm tăng cường các nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên các công trình giao thông. Chính phủ cũng cần bố trí kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 - 2020, hỗ trợ cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, có cơ chế liên kết vùng cho nông nghiệp”.
Các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Bà Lê Thị Công, đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng: “Mục tiêu chủ yếu của Chính sách kinh tế năm 2015 và những năm tiếp theo là nâng cao chất lượng tăng trưởng, đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên năng xuất và hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh. Do vậy, phải phát huy sức mạnh trí tuệ con người, đảm bảo nguồn lực con người và thực thi chính sách tốt, nâng cao năng lực và phẩm chất đội ngũ cán bộ, quản lý Nhà nước”.
Cũng tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu làm rõ về vai trò của doanh nghiệp tham gia ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA); giải thích về xuất siêu, tỷ trọng hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc. Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nêu các giải pháp thu hút khách du lịch nước ngoài. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân báo cáo về hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp.
Kết luận phiên họp ngày 8/6, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ nỗ lực, phát huy tối đa giải pháp đề ra để hoàn thành nhiệm vụ kinh tế-xã hội những tháng còn lại của năm 2015: “Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu 5 nhóm giải pháp. Thứ nhất là nhóm vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhóm về an sinh xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường. Nhóm 3 là những vấn đề về kinh tế, tài chính, ngân sách. Nhóm thứ tư là quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hội nhập quốc tế. Nhóm thứ 5 là tổ chức đội ngũ cán bộ Nhà nước, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng. Quốc hội sẽ theo dõi, giám sát và cùng đồng hành với Chính phủ để thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2015”.
Theo dự kiến ngày 9/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015, biểu quyết thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016, dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân./.