Chiều 8/6, tại Nhà Quốc hội, với đa số tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết chương trình giám sát năm 2024 và quyết định sẽ giám sát tối cao hai chuyên đề.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 với tỷ lệ 91,30% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Ảnh: quochoi.vn |
Theo đó, Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan. Trong đó, có dự án sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025; dự án đường vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội; dự án đường vành đai 3 TP.HCM.
Quốc hội cũng giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Các đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét cơ chế phân quyền mạnh hơn cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trong việc tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn để phát huy mạnh mẽ nội lực, khơi dậy tiềm năng lợi thế, tạo động lực mới cho Thành phố, vùng kinh tế trong vùng và của cả nước. Theo nhiều ý kiến, cơ chế cho Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ đặc thù mà phải đặc biệt, không chỉ vượt trội mà cần cơ chế đi trước để Thành phố Hồ Chí Minh thực sự là đầu tàu đa chức năng, đi trước mở đường và đảm nhận vai trò dẫn dắt, tìm hướng đi mới. Cơ chế đó phải đủ để Thành phố trở thành trung tâm thực hành, thực nghiệm để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn chưa đủ rõ.