Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ

Chia sẻ
(VOV5)- Giải pháp quản lý chất lượng giáo dục đại học, gắn đào tạo với quy hoạch, dự báo và sử dụng nguồn nhân lực là một trong những nội dung được đại biểu đặt ra với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.
(VOV5) - Giải pháp quản lý chất lượng giáo dục đại học, gắn đào tạo với quy hoạch, dự báo và sử dụng nguồn nhân lực là một trong những nội dung được đại biểu Quốc hội đặt ra với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo trong phiên chất vấn sáng 16/11.



Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn. Ảnh: Lại Hoa VOV


Một số vấn đề khác là thực hiện đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp theo hướng gọn nhẹ; việc đào tạo con em đồng bào dân tộc thiểu số. Giải đáp những chất vấn của đại biểu Quốc hội về tình trạng sinh viên không có việc làm sau khi ra trường cũng như việc đào tạo nguồn nhân lực chưa gắn với nhu cầu thị trường, Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết giải pháp trong thời gian tới                         

"Đầu tiên phải quy hoạch lại mạng lưới các trường để cung – cầu gần nhau. Thứ hai là đảm bảo chất lượng các trường và các ngành, trong đó có giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính. Thứ ba là phải gắn với dự báo, làm tốt công tác dự báo. Tới đây sẽ phối hợp với Bộ lao động, thương binh và xã hội để làm tốt công tác dự báo từ đó sẽ có quy hoạc"

Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết trong quá trình nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, sắp tới, Bộ sẽ định hướng, phối hợp với 5 cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam "Hiện nayViệt Nam có 5 cơ sở giáo dục nước ngoài nhưng đặt trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Chúng tôi tăng cường việc khuyến khích họ có những chính sách và điều kiện để cùng tham gia tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đề án trình Thủ tướng tới đây, chúng tôi liệt kê một số trường trọng điểm, trong đó  rất ưu tiên những trường này. Với những cơ sở giáo dục nước ngoài này, nếu chúng ta có cơ chế tốt và kiểm soát tốt thì họ sẽ là trường đại học tốt cho Việt Nam. Đấy là hướng đi chúng tôi thấy rất cần và phải khuyến khích hơn"

Liên quan đến việc đầu  tư cho học sinh dân tộc thiểu số, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Gần đây tuy điều kiện kinh tế khó khăn nhưng Chính phủ vẫn dành một phần trái phiếu Chính phủ để ưu tiên đầu tư cho đầu tư vùng khó khăn, đồng bào dân tộc từ bậc mầm non tới tiểu học. Với bậc đại học, để các em có việc làm sau khi học xong, Bộ giáo dục và đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ có phương án tốt nhất.

Feedback