Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đón Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn - Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
|
Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn thăm chính thức Việt Nam từ 26-27/11.
Tại cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục mở rộng đầu tư, khẳng định Chính phủ Campuchia sẽ nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam yên tâm đầu tư kinh doanh tại Campuchia. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, du lịch, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân nhằm thắt chặt tình đoàn kết cũng như giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử của quan hệ Việt Nam – Campuchia.
Hai Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao nhất trí tăng cường phối hợp, tích cực triển khai thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao hai nước đối với công tác phân giới cắm mốc biên giới trên bộ, giải quyết giấy tờ pháp lý cho người dân gốc Việt ở Campuchia cũng như việc di dời nhà nổi của các hộ dân ở khu vực Biển Hồ… góp phần đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển thuận lợi, mạnh mẽ và tích cực hơn nữa.
Hai Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao khẳng định tầm quan trọng của việc củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực cũng như giữ vững những mục tiêu, nguyên tắc cơ bản của ASEAN. Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp trong khuôn khổ tiểu vùng Mê Công và Tam giác phát triển Campuchia- Lào- Việt Nam nhằm thúc đẩy kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công. Hai bên khẳng định ủng hộ lẫn nhau và phối hợp chặt chẽ trong năm 2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và Campuchia đăng cai Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 13.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc giữ gìn hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển năm 1982 (UNCLOS), thúc đẩy đàm phán COC, phấn đấu sớm đạt COC hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế.