Phát triển ngành công nghiệp dược trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Tiếp tục chương trình của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng nay (22/10), tại Hà Nội, Quốc hội thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã được chỉnh lý theo hướng sửa đổi toàn diện điều 7 của Luật Dược hiện hành, để quy định chính sách chung của Nhà nước về dược; quy định chính sách hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược.

Trong đó, điều 7 sửa đổi, bổ sung quy định có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn.

Phát triển ngành công nghiệp dược trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn - ảnh 1Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Ông Nguyễn Tâm Hùng, đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, góp ý: "Về phát triển ngành công nghiệp dược cần bổ sung, quy định rõ các chính sách ưu đãi về thuế, vốn vay hoặc những dự án cho các doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu phát triển thuốc mới, đặc biệt là thuốc công nghệ cao để có thể phát triển và cạnh tranh với thị trường quốc tế. Các chính sách ưu đãi này sẽ khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực này."

Theo các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam chưa cam kết mở cửa cho phân phối dược phẩm nhưng không bảo lưu quyền tiếp cận thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực logistics.

Bà Trần Khánh Thu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, cho rằng: "Phần lớn các quốc gia trong khu vực và trên thế giới có ngành công nghiệp dược phẩm phát triển trên thế giới, như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, đều thực hiện chính sách mở cửa trong lĩnh vực phân phối và logistic dược phẩm. Những chính sách này đã có tác động tích cực trong việc huy động và thu hút vốn đầu tư nước ngoài để nâng cao năng lực phát triển cho các doanh nghiệp trong nước. Việt Nam cũng nên tham khảo kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực này và cũng phù hợp với chính sách phát triển công nghiệp dược."

Trước đó, cũng trong sáng 22/10, Quốc hội nghe Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025 - 2027 và Báo cáo thẩm tra về nội dung này.

Chiều cùng ngày 22/10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Feedback