Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa có bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”.

Bài viết nhấn mạnh trong gần 02 năm qua kể từ khi ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh để ý nghĩa, vai trò của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phát huy cao độ trên thực tiễn, để thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đòi hỏi tiếp tục phải đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lưu ý một số vấn đề cơ bản.

Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam - ảnh 1Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Nguồn: VOV

Thứ nhất, pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần phải liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Để thực hiện tốt công tác này cần có cơ chế kiểm soát hiệu quả việc thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, phải có quy trình xây dựng pháp luật chặt chẽ, khoa học, dân chủ để chính sách, pháp luật thể hiện được đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thu hút mọi nguồn lực cho sự phát triển.

Thứ hai, để phát huy hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với xã hội bằng pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì cần phải tăng cường đồng thời 02 yếu tố: Đức trị và pháp trị. Sự thượng tôn pháp luật là biểu hiện của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vì vậy, cán bộ Đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong chấp hành và tuân theo pháp luật.

Thứ ba, trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhân dân được xác định là người làm chủ theo quy định pháp luật và vận hành theo nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Để có dân chủ thực chất, cần đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ sở Đảng, đảm bảo hoạt động sinh hoạt chi bộ thực chất, hiệu quả. Bên cạnh các vấn đề dư luận xã hội, quần chúng quan tâm cần định hướng về quan điểm, nội dung chính sách, pháp luật và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy, mỗi công dân tích cực, chủ động tham gia vào công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, có ý thức thượng tôn pháp luật thì sẽ tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Feedback