Niềm tin của nhà đầu tư ngoại đối với kinh tế Việt Nam vẫn được khẳng định

Chia sẻ
(VOV5) - Thủ tướng nhận định trong số 12 chỉ tiêu Quốc hội giao, sẽ có 8 chỉ tiêu vượt, 4 chỉ tiêu đạt. 

Sáng 30/08, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 với rất nhiều nội dung quan trọng cả về kinh tế - xã hội và xây dựng thể chế.

Ngay trong phần đầu tiên của phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc động viên Đội tuyển bóng đá nam Olympic Việt Nam phấn đấu có huy chương trong trận đấu với Đội bóng Olympic Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất. 

Niềm tin của nhà đầu tư ngoại đối với kinh tế Việt Nam vẫn được khẳng định - ảnh 1 Thủ tướng phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8. - Ảnh: VOV

Tại phiên họp, đánh giá chung tình hình kinh tế tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,45%, bình quân 3,52%, ước cả năm tăng dưới 4% theo đúng chỉ tiêu của Quốc hội. Cùng với đó, các ngành kinh tế chủ yếu có xu hướng tăng tốt hơn. Thủ tướng niềm tin của nhà đầu tư ngoại đối với kinh tế Việt Nam vẫn được khẳng định, trong bối cảnh tình hình quốc tế đang có nhiều yếu tố phức tạp.

 Về tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng và ước cả năm 2018, Thủ tướng nhận định trong số 12 chỉ tiêu Quốc hội giao, sẽ có 8 chỉ tiêu vượt, 4 chỉ tiêu đạt. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt trên 6,7%; thu ngân sách vượt dự toán 3 – 5 %. Các chỉ tiêu khác cũng có thể sẽ vượt cao, nhất là xuất siêu; nợ công giảm, lạm phát giữ được ở mức dưới 4% theo Nghị quyết Quốc hội giao: "Tình hình kế hoạch thực hiện năm 2018 rất đáng mừng, kể cả chỉ tiêu số lượng và đặc biệt là chỉ tiêu chất lượng. Chất lượng tăng trưởng được nâng lên, năng suất lao động xã hội tốt hơn, năng lực sản xuất kinh doanh, kể cả những mặt về cở sở hạ tầng của y tế giáo, giáo dục được tốt hơn, văn hóa xã hội có những điểm nhấn tốt. Nêu khái quát như vậy để các bộ sau này có báo cáo, phân tích kỹ hơn, rõ hơn những mặt chúng ta làm tốt và những mặt cần lưu ý trong kế hoạch năm 2019."

Thủ tướng cũng đánh giá cao hoạt động quốc phòng, an ninh đối ngoại được tăng cường, chính trị ổn định, uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục tăng. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Nhấn mạnh việc Việt Nam đăng cai tổ chức WEF-ASEAN 2018 vào tháng 9 tới tại Hà Nội, Thủ tướng khẳng định đây là sự kiện đối ngoại quan trọng nhất năm 2018 của đất nướcvào, với nhiều lãnh đạo các nền kinh tế lớn tham dự. Do đó, Bộ Ngoại giao, các cấp, các ngành cần làm thật tốt công tác chuẩn bị cho sự kiện này. 

Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, các thành viên Chính phủ họp bàn về công tác xây dựng thể chế, cho ý kiến đối với một số dự thảo luật và các dự thảo văn bản chuyên ngành khác.

Chiều 30/8, tiếp tục phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, các thành viên Chính phủ đã thảo luận nhiều nội dung về tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2018. Chính phủ cũng cho ý kiến về các báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước quốc gia 3 năm 2019 – 2021… 

Niềm tin của nhà đầu tư ngoại đối với kinh tế Việt Nam vẫn được khẳng định - ảnh 2Các thành viên Chính phủ tham dự phiên họp. - Ảnh: TTXVN

Kết luận Phiên họp, về tình hình kinh tế xã hội 8 tháng năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các cấp chính quyền đã quan tâm hơn đến việc xử lý, đảm bảo quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Về nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2018, Thủ tướng lưu ý tinh thần: “Không được lơ là, chủ quan. Tổ chức thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp đề ra. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tiếp tục đề cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu trong các mặt công tác của bộ, ngành, địa phương”.

Nhấn mạnh đến một số nội dung cụ thể, Thủ tướng lưu ý hàng đầu đến nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt; đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý căn bản nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm… Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo có các giải pháp cụ thể dự liệu phòng chống mưa lũ, thiên tai, đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9. 

Feedback