Ngày 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ 2015

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) -  Quản lý nợ công, hiệu quả sử dụng vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA), khả năng tăng trưởng, nâng cao chất lượng đào tạo nghề để giảm nghèo bền vững là những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu trong phiên làm việc sáng 30/10.
(VOV5) -  Quản lý nợ công, hiệu quả sử dụng vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA), khả năng tăng trưởng, nâng cao chất lượng đào tạo nghề để giảm nghèo bền vững là những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu trong phiên làm việc sáng 30/10.


Ngày 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ 2015 - ảnh 1
Các đại biểu đánh giá cao nỗ lực điều hành của Chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, thách thức

Về kinh tế, nhiều ý kiến thống nhất với báo cáo của Chính phủ khi cho rằng năm 2014, những cân đối chủ yếu vẫn được đảm bảo. Chất lượng các chỉ tiêu từng bước được nâng lên. Tái cơ cấu đã được triển khai mạnh hơn. Tuy nhiên xét về dài hạn, theo ông Cao Sỹ Kiêm, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Việt Nam đang bộc lộ những vấn đề mới. Đó là khâu đột phá chưa chuyển biến và chưa đạt yêu cầu. Thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều vướng mắc, vốn đầu tư dài hạn còn hạn chế. Môi trường đầu tư chưa hoàn thiện, năng lực quản lý, quản trị yếu, kinh tế tư nhân và kinh tế doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được khai thác triệt để và cũng còn thiếu bình đẳng. Tái cơ cấu còn chậm, hiệu quả thể hiện rõ nét trong 1 số lĩnh vực như nợ công, nợ xấu, nợ xây dựng cơ bản vẫn ở mức cao. Nếu không giải quyết triệt để những tồn tại này thì năm 2015 những chỉ tiêu đặt ra rất khó thực hiện.

Trước thực tế trên, ông Nguyễn Cao Sơn, đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, kiến nghị Chính phủ kiểm soát tốt nợ công, nợ nước ngoài, kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng; điều hành linh hoạt, thận trọng giá các mặt hàng thiết yếu. Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đề nghị không vay ODA để chi thường xuyên, các dự án vay ODA phải có ý kiến của cơ quan Quốc hội trước khi sử dụng. Đồng tình với quan điểm này, bà Lê Thị Nga, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, nêu rõ do cơ chế sử dụng nguồn vốn ODA tại Việt Nam còn nhiều bất cập, các dự án lại trở thành nơi dễ bị lợi dụng, phát sinh nhiều tiêu cực, gây thất thoát, ảnh hưởng đến chất lượng công trình, uy tín với nhà tài trợ. Trước thực tế này, bà Nga kiến nghị: “Tôi đề nghị Quốc hội ban hành Luật quản lý, sử dụng ODA theo đó chú trọng quy trình chặt chẽ, tiêu chí chấp nhận vốn ODA, công khai minh bạch toàn bộ số vốn, công khai các dự án, quy trình phân bổ và buộc phải phản biện độc lập trước khi quyết định. Quốc hội cũng phải giám sát ODA, chỉ ra những khiếm khuyết trong chính sách từ đó để xuất chiến lược sử dụng có chọn lọc theo lộ trình giảm dần, tiến đến chấm dứt ODA.Thứ ba là sử dụng có chọn lọc nguồn vốn ODA”.

Về các vấn đề xã hội, nhiều đại biểu quan tâm đến xây dựng nông thôn mới, tệ nạn ma túy, chất lượng đào tạo nghề.... Đề cập giải pháp tạo việc làm cho người lao động, chỉ tiêu duy nhất mà Chính phủ không đạt kế hoạch năm 2014, bà Nguyễn Thị Hồng Hà, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, kiến nghị: “Trước mắt tập trung đổi mới quyết liệt trong đào tạo. Về lâu dài cần tập trung đột phá mạnh cả về thể chế, chính sách, nguồn lực và giáo dục nhằm phát triển thị trường lao động chuyên nghiệp gắn kết chặt chẽ tái cơ cấu với phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chính phủ cần có chính sách đặc thù để ; phát triển có tổ chức các thị trường lao động chất lượng cao về kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển công nghệ thông tin và xuất khẩu lao động”.

Chiều 30/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và kế hoạch phát triển năm 2015./.

Feedback