Luật An ninh mạng: Bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia và tổ chức, cá nhân

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Không gian mạng là môi trường đặc thù, có những yêu cầu, nội dung riêng về phòng ngừa, đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội…

Tại Kỳ họp thứ 5-Quốc hội khóa 14, Luật An ninh mạng đã được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến các đại biểu. Dự luật được xây dựng nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về an ninh mạng theo hướng áp dụng các quy định pháp luật một cách đồng bộ, khả thi trong thực tiễn thi hành.

Luật An ninh mạng: Bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia và tổ chức, cá nhân - ảnh 1 Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: QH

Dự thảo Luật An ninh mạng được xây dựng gồm 8 chương, 55 điều với các quy định cụ thể liên quan đến phạm vi điều chỉnh về nguyên tắc, biện pháp, nội dung, hoạt động, điều kiện bảo đảm triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng, hoạt động bảo vệ an ninh mạng của nước CHXHCN Việt Nam. Bày tỏ đồng tình với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại nội dung, bố cục của Luật để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật nói chung; tính phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của tổ chức, công dân, cũng như quyền bình đẳng trong hoạt động giữa các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong và ngoài nước. Đại biểu Cao Đình Thưởng, Đoàn Phú Thọ, cho rằng: "Tôi đồng tình việc bổ sung các chính sách an ninh mạng, như chính sách bảo vệ hạ tang không gian mạng Quốc gia và hệ thống thông tin quan trọng về na ninh quốc gia, xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, cho đến việc ưu tiên đầu tư, bố trí kinh phí. Trong đó xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng là hết sức cần thiết và hết sức quan trọng nhằm bảo vệ không gian mạng trước các nguy cơ tấn công có chủ đích".

Khi được hiện thực hóa, Luật sẽ phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an ninh mạng, phát triển lĩnh vực an ninh mạng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đại biểu Lê Minh Sơn, Đoàn Tiền Giang, nêu ý kiến: "Đề nghi Nhà nước nghiên cứu bổ sung một khoản kinh phí để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an ninh mạng chất lượng cao; ưu tiên nghiên cứu công nghệ, sản phẩm, dịch vụ ứng dụng nhằm bảo vệ an ninh mạng. Hiện nay các đối tượng có trình độ cao về công nghệ thông tin có thể sử dụng siêu máy tính, hệ thống máy tính để tấn công mạng, hay chiến tranh mạng… lực lượng này sẽ bảo vệ vững chắc an ninh mạng của Việt Nam". 

Các ý kiến cũng đề nghị bổ sung các chính sách về an ninh mạng như chính sách bảo vệ cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Các đại biểu đề nghị rà soát các hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự đưa vào quy định cấm trong Luật, trong đó có hành vi trực tiếp xâm phạm đến lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông; công tác xử lý hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Feedback