Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII: Đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của mọi công dân

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5)-  Để thực hiện quyền này, các cơ quan chức năng của Việt Nam tích cực hoàn thiện dự án Luật tiếp cận thông tin và cố gắng trình Quốc hội trong nhiệm kỳ khoá XIII.

(VOV5)- Đây là quyền được Hiến định tại điều 69 của Hiến pháp hiện hành và cũng là biểu hiện của việc thực thi quyền con người. Để thực hiện quyền này, các cơ quan chức năng của Việt Nam tích cực hoàn thiện dự án Luật tiếp cận thông tin và cố gắng trình Quốc hội trong nhiệm kỳ khoá XIII.

Tham gia trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định dự án Luật tiếp cận thông tin là dự án luật rất quan trọng. Luật có 3 nội dung chủ yếu. Một là phạm vi thông tin được tiếp cận. Hai là trách nhiệm của cơ quan nhà nước cung cấp thông tin cho công dân. Ba là trình tự, thủ tục và hình thức để bảo đảm quyền được thông tin cho công dân:“ Đây là dự án luật quan trọng liên quan đến quyền của công dân nên Thủ tướng đã giao lại cho Bộ Tư pháp chỉnh lý, trình Quốc hội thời điểm thích hợp. Tháng 11/2011, dự án Luật tiếp cận thông tin được đưa vào chương trình nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII.  Bộ Tư pháp đang chờ Quốc hội kỳ họp này thông qua Hiến pháp sửa đổi, sau đó Bộ sẽ báo cáo Chính phủ, cố gắng trong nhiệm kỳ này trình dự án luật tiếp cận thông tin.”

Cũng liên quan đến việc tăng cường cung cấp thông tin cho nhân dân, đặc biệt là những thông tin có chất lượng, chính thống, tạo định hướng tốt cho dư luận, trong phần trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết Bộ đã xây dựng xong quy hoạch báo chí, trình Thủ tướng: “Việc quy hoạch báo chí được triển khai với tinh thần đủ về số lượng và nâng cao chất lượng. Về báo in, sắp xếp theo mô hình một cơ quan có nhiều sản phẩm báo in và sẽ giảm sự mất cân đối về hưởng thụ báo in giữa thành thị và nông thôn. Phấn đấu đến năm 2020 các cơ quan báo chí phải tự hoạch toán. Đối với phát thanh - truyền hình, sẽ tổ chức lại theo hướng hiện đại, tự sản xuất tối thiểu 50% thời lượng, hạn chế việc phát truyền hình  nước ngoài, nhất là phim nước ngoài. Báo điện tử sẽ được xây dựng như một loại hình báo chí chủ lực của truyền thông đa phương tiện.”

Sáng cùng ngày, trong phần trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình trả lời về tình trạng án oan sai, xét xử các vụ án tham nhũng, tiến độ xây dựng toà án khu vực...Về giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ xét xử nhằm đáp ứng quá trình hội nhập quốc tế, giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài, Chánh án Trương Hoà Bình cho biết: “Toà án đã xây dựng các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp, trong đó có ký kết các thoả thuận hợp tác quốc tế về tư pháp trong công tác đào tạo trao đổi kinh nghiệm với các nước. Toà cũng xây dựng đề án công tác đối ngoại của ngành, xây dựng kế hoạch trao đổi, đào tạo bồi dưỡng thẩm phán với các nước có nền tư pháp tiên tiến để có chuyên gia giỏi về lĩnh vực tư pháp quốc tế. Đẩy mạnh quan hệ hợp tác với nước ngoài. Ký kết thoả thuận hợp tác với toà án Liên bang Nga, Australia, Pháp, Cuba, Bulgary Belarus, thường xuyên tổ chức hội nghị Toà án biên giới các tỉnh của 3 nước Việt Nam – Campuchia – Lào."

Nội dung chất vấn Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình tiếp tục trong chiều nay. Tiếp đó, các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng./.

Feedback