Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Sáng nay (20/5), Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Dự phiên khai mạc có Thủ tướng Phạm Minh Chính, các vị lão thành cách mạng, các vị đại biểu Quốc hội khóa XV. Phiên khai mạc được phát sóng trực tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri cả nước theo dõi.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV làm việc trong 26,5 ngày, từ ngày 20/5 đến ngày 28/6/2024, chia làm 02 đợt: đợt 1 từ ngày 20/5 đến ngày 08/6; đợt 2 từ ngày 17/6 đến ngày 28/6. Kỳ họp xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng.

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV - ảnh 1Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 7. Ảnh: quochoi.vn

Về công tác lập pháp, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ công tác lập pháp là nội dung trọng tâm, chiếm gần 2/3 thời gian của Kỳ họp với số lượng 24 dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét, thảo luận hoặc thông qua. Đây là khối lượng nội dung về lập pháp lớn nhất được xem xét tại một kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, thu hút sự quan tâm của cử tri và Nhân dân cả nước.

Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022: "Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, tập trung vào những vấn đề lớn, qua đó đánh giá chất lượng và những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành, nhất là công tác dự báo, dự toán ngân sách nhà nước. Đối với tình hình những tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho những tháng còn lại của năm 2024, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách năm 2024, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng".

Một nội dung quan trọng tại kỳ họp lần này là công tác nhân sự. Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: "Quốc hội sẽ xem xét bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, phê chuẩn thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội xem xét, thảo luận kỹ lưỡng để việc quyết định công tác nhân sự bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao".

Ngay sau bài phát biểu của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024. Nội dung báo cáo này, chúng tôi sẽ chuyển tới quý vị trong phần sau của chương trình.

Feedback