Khai mạc phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao lần thứ 3 Ủy hội Sô ng Mekong quốc tế

Chia sẻ
(VOV5) - Ngày 05/04, tại Siêm Riệp, Campuchia, diễn ra Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao lần thứ ba Uỷ hội Sông Mekong quốc tế (MRC).

Hội nghị có chủ đề “Tăng cường nỗ lực chung và mở rộng quan hệ đối tác nhằm đạt các Mục tiêu phát triển bền vững trên lưu vực sông Mekong”, với sự tham gia của lãnh đạo 4 nước thành viên là Thủ tướng nước chủ nhà Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Lào Thonglun Sisoulith, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Khai mạc phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao lần thứ 3 Ủy hội Sô ng Mekong quốc tế  - ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo cấp cao các nước tham dự Hội nghị

Hội nghị tập trung rà soát tình hình hợp tác trong khuôn khổ Uỷ hội, thực hiện các cam kết đưa ra tại Hội nghị cấp cao lần thứ hai từ năm 2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh và xác định các lĩnh vực ưu tiên trong giai đoạn tiếp theo.

Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết và quyết tâm thúc đẩy tiến trình hợp tác Mekong mạnh mẽ hơn nữa nhằm tranh thủ các cơ hội phát triển và vượt qua các thách thức, triển khai các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy việc thực hiện Chiến lược hợp tác lưu vực. Các bên nhất trí Uỷ hội cần phát huy vai trò hơn nữa trong việc định hướng hợp tác và đề ra các biện pháp cụ thể nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững trong khu vực; tăng cường hợp tác với các cơ chế trong và ngoài khu vực như ASEAN, Hợp tác Mekong - Lan Thương, Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) và các tổ chức quản lý lưu vực sông quốc tế khác, đồng thời tiếp tục khuyến khích sự tham gia của cả cộng đồng.

Hội nghị nhất trí thông qua Tuyên bố chung Siêm Riệp ghi nhận các thành quả của Ủy hội đạt được, chỉ ra những thách thức và cơ hội mới đối với lưu vực sông Mekong, đồng thời xác định các hoạt động ưu tiên trong thời gian 4 năm tới cũng như định hướng lâu dài cho hợp tác trong khuôn khổ Uỷ hội.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam hiện nay là ứng phó với các tác động tiêu cực đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long do biến đổi khí hậu, các hiện tượng khí hậu cực đoan và hoạt động của con người. Thủ tướng chỉ rõ hiện nay, lưu vực sông Mekong phải đối mặt với những thách thức lớn như sự gia tăng nhanh dân số, khai thác thiếu bền vững tài nguyên nước, đất và rừng; các thách thức của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai bất thường. Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ủy hội sông Mekong quốc tế tập trung cho sử dụng công bằng, hợp lý và bền vững tài nguyên nước Mekong và các tài nguyên liên quan:  "Thứ nhất, cần tăng cường thực hiện một cách đầy đủ, thực chất, hiệu quả Hiệp định Mê Công 1995, cũng như Bộ các thủ tục, quy định của Ủy hội MRC; nâng cao hiệu quả vai trò giám sát và điều phối của Ủy hội MRC trong thực hiện cam kết của các quốc gia thành viên. Thứ hai, xây dựng Khung quy hoạch phát triển lưu vực hài hòa với quy hoạch tài nguyên nước của các quốc gia thành viên; đề xuất các dự án chung về quản lý sử dụng bền vững tài nguyên nguồn nước Mekong. Thứ ba, chia sẻ thông tin, số liệu trong lưu vực sông Mekong – Lan Thương, tăng cường mạng giám sát tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực; lập cơ sở dữ liệu, kiến thức chung, các nghiên cứu chung của Ủy hội MRC và tăng cường các hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai, nhằm giúp các quốc gia trong quyết định về quy hoạch tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan, ứng phó thiên tai, bảo vệ môi trường và các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội".

Thành công của Hội nghị Cấp cao lần này sẽ góp phần tăng cường hơn nữa tinh thần hợp tác, sự gắn bó lâu đời giữa các quốc gia trong lưu vực trong quản lý và sử dụng bền vững sông Mekong.

Feedback