Hội thảo khoa học “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn”

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Những ý kiến đóng góp tại hội thảo góp phần làm sáng tõ hơn về những giá trị trường tồn của bản Di chúc lịch sử.

Hội thảo khoa học “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn” - ảnh 1

Quang cảnh buổi hội thảo

Sáng 14/8, tại Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức hội thảo khoa học “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn” (1969 - 2019).

Bản Di chúc lịch sử được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ năm 1965 đến năm 1969 và được Người chỉnh sửa, bổ sung qua các năm. Ông Phạm Chí Thành, quyền Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản chính trị quốc gia Sự thật, nhấn mạnh: “Di chúc thể hiện cao độ tinh thần trách nhiệm và tâm huyết của Người đối với Đảng, với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng đất nước, với thế hệ trẻ, các tầng lớp nhân dân, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. 50 năm qua, Di chúc của Người đã trở thành Cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Hội thảo khoa học “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn” - ảnh 2

Các chủ tọa trong Hội thảo

Có hơn 100 tham luận được trình bày và gửi tới hội thảo khoa học “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn” (1969 - 2019). Các tham luận và thảo luận xung quanh 5 chủ đề lớn: Bối cảnh ra đời, quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh viết, sửa chữa, bổ sung vào bản Di chúc; Công tác trưng bày, tuyên truyền và phát huy giá trị của Di chúc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và Hệ thống bảo tàng, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước; những thành tựu mà nhân dân đã đạt được sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực; kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và sự vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người.

Ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc bảo tàng Hồ Chí Minh, khẳng định: “Trong những di sản quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng, cách mạng và dân tộc Việt Nam, Di chúc là một Văn kiện lịch sử vô giá có giá trị lý luận và thực tiễn không chỉ cho giai đoạn cách mạng đã qua, mà còn cho cả những chặng đường sắp tới của cách mạng Việt Nam. Đó là những lời căn dặn đầy tâm huyết về khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước; về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh; về chiến lược con người; về kế hoạch xây dựng lại đất nước sau chiến tranh; về tình đoàn kết quốc tế”.

Những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tại hội thảo góp phần làm sáng tõ hơn về những giá trị trường tồn của bản Di chúc lịch sử. Từ đó, góp phần vào việc tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Feedback