Hội nghị ngoại giao lần thứ 30 đang diễn ra tại Hà Nội trong 5 ngày với sự tham dự của hơn 90 đại sứ, trưởng cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, cùng nhiều doanh nghiệp, đại diện các bộ, ban ngành. Bên lề Hội nghị ngoại giao 30, các đại sứ, trưởng đại diện các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài đều khẳng định, bối cảnh khu vực và quốc tế đang có nhiều thay đổi đòi hỏi các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn.
Ông Phạm Sanh Châu trong một hoạt động ngoại giao. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Là một người đã từng làm công tác ngoại giao văn hóa hơn 10 năm qua, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bỉ Phạm Sanh Châu, cho biết thời gian tới, ông sẽ nhận nhiệm vụ mới là Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, kiêm nhiệm Nepal và Butan. Đây là một đất nước có nền văn hóa đặc sắc và có nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Vì vậy, thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Ấn Độ, đặc biệt là giao lưu văn hóa là ưu tiên hàng đầu: Tôi cảm thấy đây là một duyên rất lớn. Ấn Độ hiện nay là đối tác rất quan trọng của Việt Nam, là một trong 3 Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Với một thị trường dân số 1,4 tỷ người thì tiềm năng còn rất lớn. Trong nhiệm kỳ của mình, bên cạnh trách nhiệm tăng cường quan hệ hợp tác truyền thống giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn về an ninh quốc phòng, kinh tế, cá nhân tôi sẽ cố gắng viết về nền văn hóa Ấn Độ, bởi đây là một quốc gia có nền văn hóa đa dạng và đặc sắc, có nhiều nét tương đồng với Việt Nam và từ văn hóa sẽ thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác.
Bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức hết sức chú trọng đến công tác gắn kết kiều bào. Với số lượng người Việt Nam ở Đức đông đảo, có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng người Việt ở Châu Âu, Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng chia sẻ sứ quán có cách làm để bà con luôn hướng về quê hương là tổ chức các chương trình nói chuyện về chủ quyền biển đảo, phối hợp tổ chức các chuyến đi thăm Trường Sa: Bên cạnh sự gắn kết cơ quan đại diện ngoại giao với trong nước, chúng tôi cũng gắn chặt với cộng đồng người Việt để làm tốt công tác gìn giữ di sản và hợp tác văn hóa. Bà con Việt Nam ở Đức đặc biệt hướng về quê hương. Bên đó đã lập ra câu lạc bộ những người đã đi thăm Trường Sa và khi đi thăm về họ vô cùng tự hào yêu nước, chính họ trở thành diễn giả đi nói về chủ quyền biển đảo
Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Chú trọng thúc đẩy hợp tác đầu tư kinh doanh, đảm bảo các quyền lợi hợp pháp và chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam, phù hợp với luật pháp và các quy định của Campuchia, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai nước là nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Campuchia. Đại sứ Vũ Quang Minh cho biết: Chúng tôi tổ chức các buổi cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về địa bàn cũng như tình hình kinh tế xã hội của nước bạn, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp trong các trường hợp vướng mắc về thủ tục, giúp giải quyết các tranh chấp, vướng mắc thương mại khi phát sinh trên cơ sở pháp luật, đồng hành cùng doanh nghiệp quảng bá thương hiệu. Hiện tại đại sứ quán mở đường dây liên lạc 24/24 xây dựng các trang mạng xuất khẩu vào Campuchia và kết nối với các doanh nghiệp thông qua các đầu mối liên lạc.
Quán triệt đường lối đối ngoại độc lập, hoà bình phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, mục tiêu bao trùm là giữ vững môi trường hoà bình, kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền, các lợi ích quốc gia chính đáng, mỗi đại sứ đang nỗ lực thực hiện tốt sứ mệnh của mình, là cầu nối về chính trị, kinh tế, văn hóa, thúc đẩy hợp tác với các đối tác đi vào hiệu quả và thực chất, góp phần phục vụ mục tiêu phát triển đất nước.